Du lịch nội địa dù trong quá khứ hay hiện tại đều đóng vai trò quan trọng với du lịch Việt Nam. Ở thì tương lai gần, dự báo du lịch nội địa vẫn sẽ được chú trọng.
Năm 2022, du lịch nội địa Việt Nam bứt phá với 101,3 triệu lượt khách, cao hơn 168,3% so với kế hoạch. Con số này thậm chí còn vượt mức trước đại dịch (85 triệu khách năm 2019).
Vì tiềm năng rất lớn nên việc hiểu hơn khách hàng của thị trường này sẽ góp phần đưa du lịch nước nhà tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Thị hiếu du lịch của khách nội địa Việt
Theo khảo sát mới nhất của The Outbox Company về chân dung khách nội địa, năm 2022, Đà Lạt dẫn đầu danh sách điểm đến ưa thích của du khách Việt Nam. Theo sau đó là Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu, Hạ Long, Hà Nội,… Đặc biệt, thành phố mộng mơ Đà Lạt được lòng du khách ở mọi nhóm tuổi được khảo sát. Cụ thể, 30,6% người từ 18-25 tuổi, 30,6% thuộc độ tuổi 25-45 và 33,6% người trên 46 tuổi chọn Đà Lạt là điểm đến hàng đầu.
Các điểm đến biển đảo gồm Đà Nẵng, Phú Quốc, và Vũng Tàu đều được ưa chuộng bởi du khách trên 46 tuổi. Trong khi đó, nhóm 18 – 25 tuổi lại không quá mặn mà với các địa điểm nổi tiếng này.
Những yếu tố quan trọng nhất khiến họ quyết định tới những điểm du lịch trong nước nêu trên gồm cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc tính điểm đến phù hợp sở thích cá nhân, nhiều hoạt động giải trí, mua sắm và chi phí chuyến đi.
Về thời gian đi du lịch, năm ngoái, cả 3 nhóm tuổi được Outbox khảo sát đều chọn du lịch nội địa vào mùa hè, mùa du lịch cao điểm, từ tháng Năm đến tháng Tám.
Đại đa số khách du lịch Việt Nam hiện nay có xu hướng lựa chọn hình thức du lịch tự túc thay vì đi tour. Xu hướng này đã gia tăng khá nhiều so với thời điểm trước làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Đáng chú ý, cả ba nhóm tuổi đi du lịch tự túc cùng gia đình, nhóm bạn hoặc đồng nghiệp. Có lẽ sự mất kết nối trong thời gian dài do COVID-19 đã phần nào khiến họ muốn gắn kết với những người quan trọng hơn.
Hành vi lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi
Du khách Việt Nam đang có xu hướng chuộng các chuyến đi ngắn ngày (độ dài lưu trú 2-3 đêm). Các chuyến đi ngắn ngày hơn như lưu trú chỉ một đêm hoặc đi về trong ngày thì nhóm 18 – 25 tuổi luôn dẫn đầu. Nhóm du khách trên 46 thích các chuyến đi 2-3 đêm nhất. Đồng thời, với các chuyến đi dài ngày hơn (4-5 đêm hay 6-7 đêm), họ thực hiện nhiều hơn so với 2 nhóm còn lại.
Một điều thay đổi rõ rệt khác là du khách Việt ngày càng có xu hướng lên kế hoạch từ 1-2 tuần trước chuyến đi của mình, thay vì một tháng trở lên như trước đây.
Tại điểm đến, khách Việt ưu tiên thưởng thức ẩm thực địa phương. Các hoạt động phải làm tiếp theo là tham quan thắng cảnh, hoạt động biển và mua sắm tại chợ địa phương.
Nếu có lưu trú, khách sạn tầm trung là loại hình phổ biến nhất với cả 3 nhóm du khách. Nhóm du khách trẻ ưa thích phân khúc lưu trú rẻ hơn 2 nhóm tuổi còn lại (từ khách sạn bình dân trở xuống).
Sức chi tiêu của khách Việt cũng đang gia tăng. Năm ngoái, hơn 60% cho biết họ chi tiêu cho du lịch nhiều hơn năm 2019. Hơn 70% sẵn sàng chi nhiều hơn cho các trải nghiệm.