Trong bối cảnh còn nhiều biến động và thay đổi như hiện nay, đặc biệt là trong ngành du lịch, việc áp dụng chỉ duy nhất một chiến lược và hy vọng đó sẽ là kim chỉ nam cho doanh nghiệp hướng đến xuyên suốt trong năm sẽ không còn phù hợp và có thể dẫn đến sai lầm nghiêm trọng. Thay vào đó, phân tích dự báo theo kịch bản là một chiến lược quan trọng đối với các cơ quan quản lý điểm đến (DMO) và các bên liên quan. Điều này đặc biệt cần thiết trong giai đoạn phục hồi hậu COVID.
Việc dự báo nhiều kịch bản phục hồi khác nhau cho phép các thành phần của điểm đến khám phá nhiều lựa chọn phát triển, đồng thời hướng tới việc thiết kế những cách phản ứng tốt nhất có thể. Đây là một phương pháp đưa ra dự đoán được ứng dụng và thực hiện nhiều trong ngành du lịch thế giới.
Năm 2022, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tương đương 18% so với con số gần 19 triệu lượt khách trước đại dịch. Mức độ phục hồi này còn khá khiêm tốn so với những điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á. Điển hình như Thái Lan đón hơn 10 triệu khách quốc tế, chiếm 25% lưu lượng khách năm 2019 (40 triệu), hay Indonesia có 4,6 triệu khách, đạt hơn 28% lưu lượng khách năm 2019 (16 triệu),… Tuy nhiên, theo UNWTO World Tourism Barometer, so với tỷ lệ phục hồi của các khu vực trên thế giới, tỷ lệ phục hồi ở khu vực Đông Nam Á tuy đã khởi sắc hơn nhưng vẫn thấp nhất (54%) trong quý 1/2023. Một trong những lý do chính khiến quá trình phục hồi bị chậm lại là do việc chậm trễ trong việc mở lại hoàn toàn biên giới và nới lỏng các yêu cầu có liên quan đến COVID, đặc biệt là ở Trung Quốc, thị trường gửi trọng điểm của rất nhiều điểm đến, kể cả Việt Nam.
Dự báo triển vọng du lịch ở Việt Nam vào năm 2023 phải đối mặt với cả những cơ hội và thách thức. Việc thay đổi chính sách zero-COVID và nới lỏng các hạn chế đi lại đối với khách du lịch trong và ngoài nước ở Trung Quốc có thể thúc đẩy tổng lượng khách du lịch đến Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng vào năm nay và giúp ngành du lịch phục hồi trên diện rộng hơn. Ngoài ra, năng lực cung ứng du lịch của khu vực tiếp tục phục hồi, bao gồm cả các chuyến bay quốc tế, sẽ hỗ trợ nhu cầu du lịch tăng cao. Tuy vậy, giá dầu tăng cao, lạm phát và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn vẫn sẽ tiếp tục gây ra những rủi ro đối với phục hồi du lịch quốc tế của Việt Nam.
Báo cáo “Triển vọng du lịch Việt Nam 2023” được Outbox phát hành vào cuối tháng 3 vừa qua cũng có đề cập đến những kịch bản phục hồi du lịch mà các doanh nghiệp cần lưu ý. Để có cái nhìn tổng quan và xây dựng được 3 kịch bản phục hồi du lịch quốc tế này, Outbox dựa trên tình hình phục hồi chung của cả khu vực lẫn trên thế giới. Bên cạnh đó, Outbox còn xem xét thêm các yếu tố có thể tác động đáng kể đến tốc độ phục hồi, gồm nhóm yếu tố định hình và nhóm yếu tố điều chỉnh. Nhóm yếu tố định hình là tâm lý, hành vi và xu hướng của khách du lịch. Nhóm yếu tố điều chỉnh bao gồm chính sách visa, triển vọng nền kinh tế, đầu tư/bất động sản du lịch và chi phí hàng không nội địa. Mọi thay đổi của hai nhóm yếu tố này đều sẽ tác động tới thị trường du lịch của Việt Nam năm nay.
Cân nhắc tất cả những yếu tố trên, 3 kịch bản phục hồi du lịch quốc tế đến Việt Nam 2023 được xây dựng như sau:
– Kịch bản 1 (khả thi nhất): Theo đà phục hồi của các thị trường nguồn quan trọng từ giữa và cuối năm 2022 đến nay, triển vọng phục hồi khả dĩ nhất cho du lịch quốc tế đến Việt Nam là 40% so với năm 2019, tương đương 7,2 triệu lượt khách.
– Kịch bản 2 (lạc quan nhất): Kịch bản tích cực nhất khi tốc độ phục hồi của các thị trường đạt mức tối ưu sẽ mang lại cho du lịch quốc tế Việt Nam 10 triệu lượt khách, tương đương 60% so với năm 2019.
– Kịch bản 3 (ít lạc quan): Trong tình hình ít lạc quan hơn, sự không chắc chắn về những tác động kinh tế và cuộc đua khốc liệt thu hút thị trường khách Trung Quốc trở lại từ các điểm đến trong khu vực sẽ tạo ra sức ép không nhỏ khiến phục hồi du lịch quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 6,3 triệu lượt, tương đương 35% so với năm 2019.
Theo báo cáo của Outbox, du khách vẫn sẽ tiếp tục hướng tới du lịch liên quan tới chăm sóc sức khỏe và tính bền vững vì tác động lớn của đại dịch. Họ mong muốn nhận được những trải nghiệm và giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra, cũng như rất cân nhắc chi phí cho các chuyến đi do tình hình kinh tế khó khăn. Các yếu tố như giá vé máy bay hay lạm phát gia tăng,… đều có thể góp phần khiến tâm lý đi du lịch và mức sẵn sàng chi trả cho du lịch của khách giảm xuống, và ngược lại. Du khách chính là những người dùng cuối trong các sản phẩm/dịch vụ du lịch. Vậy nên mọi điều tác động tới tâm lý và hành vi của họ đều sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới ngành du lịch.
Năm 2024 được cho là năm cuối cùng của quá trình phục hồi. Đây cũng được dự báo là năm xuất hiện thêm nhiều biến số mới ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi du lịch nước ngoài ở Việt Nam. Các doanh nghiệp, điểm đến cần hành động ngay từ bây giờ, chủ động thay đổi và tiếp cận cũng như luôn sẵn sàng, linh động với các mục tiêu, chiến lược tùy thuộc theo các kịch bản hoặc tình hình thị trường. Với mỗi một kịch bản dự báo, các doanh nghiệp và điểm đến du lịch sẽ cần đưa ra những kế hoạch hành động tương ứng. Nhờ đó, họ sẽ có thể phản ứng nhanh chóng và thích nghi tốt hơn với mọi hoàn cảnh đã lường trước. Bởi lẽ cả thị trường và khách du lịch đều đang liên tục thay đổi do nhiều tác nhân khác nhau từ chủ quan đến khách quan.
Việc thay đổi chiến lược và chủ động tiếp cận du khách phải đến từ sự nỗ lực đồng bộ của không chỉ một cá nhân, một đơn vị mà toàn thể bộ máy phải cùng phấn đấu để cải thiện và phát triển ngành du lịch. Có như vậy chúng ta mới có thể đẩy nhanh tốc độ phục hồi, sau đó đưa ngành phát triển hơn mức trước dịch.