Mùa hè, được xem là mùa du lịch cao điểm nhất trong năm tại Việt Nam, đã tới. Để đón lượng du khách lớn và “bội thu” trong giai đoạn này, các điểm đến và doanh nghiệp cần sớm nắm bắt mọi thông tin quan trọng về khách du lịch, những người dùng cuối trong một sản phẩm/dịch vụ du lịch.
Dẫu đây là giai đoạn đi lại cao điểm nhất của du khách nội địa Việt Nam, chúng ta có nên đánh đồng một chiến lược tiếp cận để chinh phục tệp khách hàng này? Ở mỗi gen có điểm khác và giống nhau như thế nào khi đi du lịch hè năm 2022? Cùng tìm hiểu thông qua một nghiên cứu của Outbox.
Sự khác nhau giữa 3 nhóm khách nội địa Việt Nam
Thời điểm du lịch
Mùa hè là mùa du lịch cao điểm. Đây là khoảng thời gian các học sinh, sinh viên có kỳ nghỉ dài. Do đó, gia đình của nhiều học sinh, sinh viên cũng tận dụng cơ hội đưa con em mình đi du lịch.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, du lịch nội địa Việt Nam đã bùng nổ trong hè năm ngoái. Từ tháng 5 tới tháng 8, số lượt khách Việt đi du lịch trong nước đạt hơn 43 triệu, cao hơn 53,2% so với cùng thời điểm năm 2019.
Theo một cuộc khảo sát của Outbox, khoảng 60% du khách cho biết họ đã thực hiện chuyến đi từ tháng 5 đến 8/2022. Tuy nhiên, nếu xét trên từng nhóm tuổi, tháng du lịch cao điểm nhất sẽ có đôi phần khác biệt. Cụ thể, nhóm trẻ tuổi (18-25) đi du lịch nhiều nhất vào cả tháng 6 và 7. Trong khi đó, nhóm 26-45 tuổi thích đi chơi vào tháng 6 hơn. Nhóm từ 46 tuổi trở lên đi du lịch cao đột biến trong tháng 7. Đây cũng là nhóm có nhu cầu du lịch hè cao nhất so với hơn 2 nhóm tuổi còn lại theo khảo sát.
Điểm đến ưa thích
Nền nhiệt cao của mùa hè đã khiến các điểm đến biển đảo như Đà Nẵng, Phú Quốc, Vũng Tàu hay Hạ Long được ưa chuộng hơn cả. Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một điểm đến nổi tiếng với thời tiết mát mẻ quanh năm là Đà Lạt. Thành phố mù sương còn xuất sắc dẫn đầu top các điểm đến được khách nội địa lựa chọn cho dịp hè 2022.
Nhóm 18-25 tuổi đặc biệt thích Đà Lạt. Điểm đến này ngày càng cung cấp nhiều dịch vụ homestay, địa điểm ăn uống đẹp mắt, nằm giữa núi rừng hùng vĩ, thu hút rất nhiều du khách trẻ.
Nhóm từ 26-45 bày tỏ sự yêu mến lớn với Đà Nẵng, thành phố của những cây cầu và mệnh danh là thành phố đáng sống của Việt Nam. Nhóm trên 46 tuổi ưa chuộng ghé thăm và nghỉ dưỡng tại đảo ngọc Phú Quốc.
Hình thức du lịch
Năm 2022, khách nội địa Việt Nam đi du lịch tự túc gia tăng đáng kể so với năm trước đó. Sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội, các trang review, người có sức ảnh hưởng (influencer),… được cho là đã tác động không nhỏ tới tâm lý muốn tự do khám phá của du khách.
Trong số những du khách lựa chọn đi tự túc cùng gia đình, nhóm trên 46 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Nếu người đồng hành là nhóm bạn hoặc đồng nghiệp, nhóm 18-25 lại chiếm phần đông hơn cả. Nhóm tuổi này cũng có xu hướng đi tự túc một mình cao nhất. Riêng về hình thức đi tour, nhóm trên 46 tuổi chiếm tỷ lệ lớn nhất, xấp xỉ bằng tỷ lệ của cả 2 nhóm kia cộng lại.
Kênh đặt dịch vụ
Theo khảo sát của Outbox, có tới hơn 80% du khách Việt thuộc nhóm trên 46 tuổi chọn đặt dịch vụ du lịch trực tiếp qua website và điện thoại của nhà cung cấp. Là những người tích cực hoạt động trên mạng xã hội, nên ngoài 2 kênh trên, nhóm 18-25 và 26-45 tuổi còn ưa thích đặt dịch vụ trực tiếp qua các trang mạng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Instagram, v.v. Chính vì vậy, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch nên đầu tư nhiều cho việc xây dựng website, các trang mạng xã hội cũng như đội ngũ tổng đài viên. Sự tiện lợi, mau chóng với thông tin đầy đủ sẽ góp phần đẩy nhanh quyết định đặt dịch vụ của họ hơn.
Loại hình lưu trú
Cả 3 nhóm tuổi được khảo sát đều thích ở khách sạn tầm trung (3 sao), nhưng họ vẫn có những sở thích khác biệt trong việc lựa chọn nơi lưu trú khi đi du lịch. Cụ thể, du khách trên 46 tuổi chiếm phần đông nhất trong phân khúc khách sạn tầm trung và resort. Phân khúc khách sạn cao cấp (4-5 sao) được du khách thuộc nhóm 26-45 tuổi chọn nhiều nhất.
Nhóm 18-25 tuổi thích loại hình homestay nhất. Điều này phần nào giải thích cho việc họ ưa chuộng thành phố Đà Lạt, nơi tọa lạc của vô số homestay độc đáo. Là những người trẻ, còn đi học hoặc mới đi làm chưa lâu nên đa số khách thuộc nhóm này ưu tiên loại hình lưu trú rẻ hơn 2 nhóm còn lại.
Ngân sách chuyến đi
Theo khảo sát, nhiều du khách nội địa Việt Nam đã gia tăng ngân sách cho các chuyến đi vào năm 2022. Vốn có mức thu nhập trung bình khác nhau nên các nhóm tuổi cũng có mức chi tiêu khác nhau cho du lịch. Nhìn chung, những người lớn tuổi hơn đang có xu hướng chi trả cho các chuyến du lịch nhiều hơn.
Phần lớn nhóm trên 46 tuổi dành từ 5-15 triệu đồng cho một chuyến đi. Nhóm 26-45 tuổi chi tiêu từ 3-10 triệu, còn nhóm 18-25 tuổi chi từ 1-7 triệu đồng mỗi lần đi du lịch. Việc lựa chọn điểm đến, hình thức du lịch hay loại hình lưu trú khác nhau có thể lý giải cho điều này.
Kết luận
Trên đây là một vài điểm khác biệt nổi bật về khách nội địa Việt Nam ở các nhóm tuổi khác nhau theo kết quả khảo sát của Outbox. Không chỉ khác nhau, họ còn đang có thay đổi không thể quan sát bằng mắt thường về thị hiếu, hành vi và tâm lý du lịch. Các doanh nghiệp và điểm đến cần quan tâm nhiều hơn về hành trình cũng như chân dung của du khách và chủ động nhiều để có thể tiếp cận họ thành công.