Việc bay ra khỏi bầu khí quyển Trái Đất để đi du lịch ngoài không gian sắp trở nên khả thi hơn bao giờ hết. Thám hiểm vũ trụ từ mục đích phục vụ các nghiên cứu khoa học nay đang dần chuyển sang phục vụ thêm cho ngành du lịch. Năm 2021 đánh dấu bước tiến ngoạn mục của ngành hàng không vũ trụ khi các chuyến du hành vũ trụ thương mại đầu tiên diễn ra thành công.
Trước đây, khám phá không gian mênh mông ngoài địa cầu là đặc quyền dành riêng cho các nhà du hành vũ trụ. Còn ở thì hiện tại và tương lai, những người có sự yêu thích và điều kiện tài chính lẫn sức khỏe đều có thể dạo chơi trong vũ trụ và tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh ngoài sức tưởng tượng của nó.
Các chuyến bay “kinh thiên động địa”
Vào ngày 11/7/2021, Virgin Galactic đã thực hiện thành công chuyến bay du lịch không gian đầu tiên với sự tham gia của nhà sáng lập, tỷ phú Richard Branson. Chỉ sau vài tháng mở bán, công ty này đã bán được hơn 100 vé cho các chuyến du hành vũ trụ thương mại. Giá vé hiện tại là 450.000 USD/người (hơn 10,7 tỷ đồng). Các chuyến bay dự kiến sẽ khởi hành vào cuối năm nay, chở tối đa 6 hành khách.
Hành khách của Virgin Galactic sẽ được trải nghiệm hành trình kéo dài khoảng một giờ trên tàu vũ trụ SpaceShipTwo, trong đó có khoảng 10 phút ở ngoài rìa vũ trụ. Họ sẽ được bay lên độ cao từ 12.000 – 15.000m khi tàu vũ trụ được gắn trên lưng máy bay vận chuyển. Sau khoảng nửa giờ, SpaceShipTwo sẽ tách khỏi máy bay vận chuyển, kích hoạt động cơ tên lửa và lao thẳng lên không gian với tốc độ gấp 3 lần tốc độ âm thanh, trước khi đạt độ cao hơn 80.000m trên bề mặt Trái Đất.
Họ sẽ nếm trải cảm giác không trọng lực trong vài phút và ngắm nhìn Trái Đất từ trên cao trước khi trở về. Tàu vũ trụ trở về Trái Đất theo phương thức hạ cánh trên đường băng như máy bay thông thường.
Ngoài Virgin Galactic, công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos cũng đặt mục tiêu thương mại hóa du lịch vũ trụ. Chỉ một tuần sau chuyến bay của Richard Branson, Jeff Bezos đã thực hiện chuyến bay vào rìa vũ trụ tương tự trên con tàu New Shepard do Blue Origin chế tạo. Công ty này đã đưa diễn viên người Canada William Shatner lên không gian vào năm ngoái. Ông đã trở thành người lớn tuổi nhất từng bay vào vũ trụ tính đến thời điểm hiện tại.
Cũng trong năm ngoái, SpaceX phóng thành công phi hành đoàn dân sự đầu tiên lên quỹ đạo. Ngày 15/9/2021, tàu vũ trụ SpaceX Crew Dragon chở phi hành đoàn Inspiration4 gồm bốn người chưa từng bay lên không gian và viết nên lịch sử.

Photo: SpaceX
Trung Quốc cũng đang nuôi tham vọng gia nhập “đường đua” du lịch vũ trụ với mức giá rẻ hơn (khoảng 6,7 đến 10 tỷ đồng vào năm 2025). Các chuyến bay tương lai của Trung Quốc có thể đưa cùng lúc 7 hành khách lên độ cao hơn 100km. Toàn bộ hành trình sẽ kéo dài khoảng 10 phút, trong đó hành khách có vài phút trải nghiệm môi trường không trọng lực.
Rẻ hơn nữa, du khách có thể lựa chọn tour du lịch không gian bằng khinh khí cầu của World View Enterprises và khám phá không gian cận vũ trụ. Năm 2019, mức giá là khoảng 2,9 tỷ đồng nhưng vừa qua đã giảm mạnh xuống chỉ còn 1,2 tỷ đồng. Mỗi chuyến bay sẽ kéo dài khoảng 6 – 12 tiếng, chở 8 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn. Dự kiến khởi hành vào năm 2024 và đến nay, đã có 250 người đặt mua dịch vụ này. Hành khách sẽ bay lên độ cao ít nhất là 30.000m, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Trái Đất và những hành tinh xung quanh.
Khách sạn đầy đủ tiện nghi ngoài không gian
Gateway Spaceport cho biết năm 2025, con người sẽ có cơ hội thăm thú thiên hà thông qua Voyager, trạm du hành kết hợp khách sạn ngoài không gian đầu tiên trên thế giới. Dự án này đang được phát triển bởi Gateway Spaceport, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của 400 khách.
Khung quay tròn của Voyager mô phỏng trọng lực tương tự như trên sao Hỏa, tức tương đương 40% trọng lực Trái đất. Đây được kỳ vọng sẽ là dự án đầu tiên tạo ra một môi trường đáng sống và lâu dài hơn cho con người ngoài không gian.

Photo: Gateway Spaceport
Voyager sẽ cung cấp nhiều dịch vụ để du khách có thể ăn uống, thư giãn và làm việc. Các dịch vụ bao gồm spa chăm sóc sức khỏe, rạp chiếu phim, quán bar,… “Khách sạn” độc đáo này sẽ có khả năng bay quanh Trái Đất chỉ trong vòng 90 phút. Mức giá được quảng cáo từ 2 – 5 triệu USD/người (47,8 tỷ đồng – 119,5 tỷ đồng) cho 3 ngày lưu trú.
Các dự án trên chứng minh rằng bất kỳ ai cũng có thể lên vũ trụ nếu có tài chính và sức khỏe đáp ứng yêu cầu. Nơi đây được kỳ vọng sẽ sớm trở thành một điểm đến như các điểm đến trên Trái Đất, nơi mọi người có thể tới thư giãn và tham quan.
Những mối quan ngại đáng kể
Môi trường
“Cơn sốt” du lịch vũ trụ đang ngày càng nóng, hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho loài người cùng các cơ hội kinh doanh siêu hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo việc bùng nổ du lịch vũ trụ sẽ làm tăng ô nhiễm bầu khí quyển trong những năm tới, thậm chí có khả năng làm thủng tầng Ozone bao quanh Trái Đất. Các tên lửa phải đốt cháy một lượng thuốc phóng lớn để cất và hạ cánh, sinh ra lượng khí thải cực kỳ lớn và chắc chắn sẽ gây tác động nghiêm trọng đến hành tinh của chúng ta.

Photo by SpaceX
Rác thải vũ trụ
Theo Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), con người đã tạo ra hơn 9.600 tấn rác trôi nổi trong vũ trụ, quay quanh Trái Đất, bao gồm các vệ tinh không hoạt động và các mảnh tên lửa đã qua sử dụng.
Theo báo cáo của NASA, có ít nhất 26.000 mảnh rác thải vũ trụ quay quanh Trái Đất có kích thước bằng một quả bóng mềm, đủ lớn để phá hủy một vệ tinh. Hơn 500.000 mảnh vỡ lớn bằng đá cẩm thạch có khả năng làm hỏng tàu vũ trụ, và hơn 100 triệu mảnh vỡ nhỏ có thể làm thủng đồ bảo hộ trong không gian. Những con số này sẽ không ngừng tăng lên nếu các công trình tiếp tục được đưa ra ngoài vũ trụ.
Mức độ an toàn
Như đề cập, lượng rác vũ trụ lớn sẽ ảnh hưởng tới các tàu vũ trụ và gây ra sự cố. Ở điều kiện ngoài không gian, việc cứu hộ hay xử lý tai nạn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chưa hết, cũng có trường hợp tàu vũ trụ gặp trục trặc trước khi kịp bay ra không gian ngoài Trái Đất, dễ phát nổ, gây thiệt hại về người và của cũng như làm gia tăng ô nhiễm bầu không khí.
Du lịch vũ trụ đang là “miếng mồi” kinh doanh béo bở của các ông lớn trong ngành, đồng thời cũng là trải nghiệm hấp dẫn đối với nhiều người, nhất là các tỷ phú. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề gây tranh cãi lớn, đặc biệt là về tác động đến môi trường, đi ngược xu hướng bền vững mà cả thế giới đang hướng tới. Liệu rằng trong tương lai không xa, khi chúng ta đã đạt tới những bước tiến vĩ đại về du lịch vũ trụ cũng là lúc chúng ta phải tìm kiếm một hành tinh khác tương tự Trái Đất để sinh sống?
Destination Review