Phát triển du lịch mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến môi trường do dấu chân carbon để lại. Cụ thể, du lịch chiếm khoảng 8% lượng khí thải carbon của thế giới.
Theo đánh giá của Đại học Sydney xuất bản trên báo Nature Climate Change, lượng khí thải carbon trong du lịch dự báo có thể đạt 6,5 tỷ tấn vào năm 2025. Con số này tăng lên 44% so với năm 2013 và chiếm khoảng 13% lượng khí thải nhà kính toàn cầu hiện nay.
Vậy, dấu chân carbon là gì?
Dấu chân carbon là tổng lượng phát thải liên quan tới khí nhà kính và biến đổi khí hậu đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Du lịch trung hòa carbon là một trong những xu hướng đáng chú ý trong năm 2023. Hơn hết, đây còn là nỗ lực của toàn ngành nhằm giảm thiểu hoặc “bù đắp” lượng carbon phát sinh trong hành trình du lịch.
Du lịch góp phần vào biến đổi khí hậu ra sao?
Vận chuyển
Tính từ năm 2005 đến năm 2016, lượng khí thải du lịch liên quan đến vận tải tăng hơn 60%. Trong đó, máy bay và ô tô tạo ra nhiều khí carbon nhất, theo sau là xe buýt du lịch, phà và xe lửa. Trong những năm gần đây, vé máy bay rẻ hơn dẫn đến sự gia tăng nhanh về số lượng người đi lại và khí thải carbon.
Lưu trú
Các cơ sở lưu trú thường sử dụng hệ thống sưởi ấm và điều hòa không khí để đảm bảo nhiệt độ dễ chịu cho du khách. Tuy nhiên, việc này tiêu tốn rất nhiều điện và tạo ra lượng khí thải carbon đáng kể. Đặc biệt, tại các khu nghỉ dưỡng và khách sạn hiện đại, lượng khí thải có xu hướng tăng cao. Các khách sạn được kêu gọi sử dụng nguồn năng lượng sạch như gió, Mặt trời,… nhưng đa số vẫn sử dụng năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Theo Báo cáo xu hướng khách sạn xanh năm 2018, chỉ có 21% khách sạn sử dụng năng lượng sạch.
Xây dựng
Rừng được xem là bể chứa carbon khi hấp thụ và trữ khí thải. Đặc biệt, rừng ngập mặn ven biển có thể lưu trữ lượng carbon gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới. Tuy vậy, để phát triển du lịch, con người đã và đang phá hủy những cánh rừng tự nhiên. Khi các bể chứa tự nhiên biến mất, carbon sẽ trở lại bầu khí quyển và gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở du lịch, hạ tầng cho du lịch như đường xá cũng tiêu tốn nhiều năng lượng.
Thực phẩm
Quá trình trồng trọt, chế biến, vận chuyển, đóng gói, làm sạch và nấu nướng tạo ra nhiều khí thải. Việc các nhà hàng và khách sạn nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm từ nước ngoài cũng tạo điều kiện gia tăng lượng khí thải. Ngoài ra, phần thức ăn thừa của nhà hàng và khách sạn sẽ bị vứt đi. Và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất chúng trở nên vô nghĩa. Các loại thực phẩm này phân hủy trong các bãi chôn lấp sẽ sinh ra khí mê-tan, một loại khí gây ô nhiễm và tạo hiệu ứng nhà kính mạnh.
Những nỗ lực giảm thiểu dấu chân carbon
Hiện nay, ngành du lịch đang nỗ lực nhằm giảm thiểu dấu chân carbon. Các khách sạn áp dụng những công nghệ tiên tiến như máy nước nóng chạy bằng năng lượng mặt trời, hay các thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Nhiều hãng hàng không đưa ra cam kết cắt giảm lượng khí carbon trên các chuyến bay. Ví dụ như United Airlines cam kết giảm 100% lượng khí thải carbon vào năm 2050. Ngoài ra, sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững là giải pháp hiệu quả nhằm giảm khí thải carbon. Tuy nhiên, nhiên liệu này ít được sử dụng và khả năng sản xuất còn thấp cũng như giá thành cao hơn nhiều lần so với nhiên liệu thông thường nên vẫn chưa được nhiều hãng bay đầu tư.
Dù vậy, những đổi mới này không đủ để bù đắp lượng khí thải do số lượng khách du lịch ngày càng tăng tạo ra. Đối với những lượng khí thải không thể tránh được, doanh thu từ tín chỉ carbon nên được dùng để đầu tư phát triển du lịch bền vững và trung hòa khí thải carbon. Tín chỉ carbon là một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu được quyền thải khí carbon dioxide hoặc khí thải nhà kính khác.
Xu hướng du lịch bền vững và giảm thiểu dấu chân carbon đang được rất nhiều du khách quan tâm. Vì thế, ngành du lịch cần chú trọng phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều này giúp giảm tải lượng khí thải carbon và tạo điều kiện để du lịch phát triển lâu dài.