Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên mở cửa du lịch hậu COVID. Tuy nhiên, mục tiêu đón khách quốc tế của Việt Nam lại thất bại khi chỉ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách trong năm nay. Mục tiêu đề ra trước đó là 5 triệu du khách nước ngoài. Trong khi đó, các nước khác ở Đông Nam Á đều hoàn thành, thậm chí là vượt mục tiêu.
Dựa trên dữ liệu quý 4 năm 2022 của The Outbox Company về thị trường quốc tế, mức độ nhận biết của du khách nước ngoài về đất nước hình chữ S còn thấp. Đây cũng là một trong những nguyên do khiến mục tiêu đón khách quốc tế của Việt Nam không hoàn thành.
Tác động của COVID-19 tới thị trường khách quốc tế đến Việt Nam
Trước dịch, giai đoạn 2015 – 2019, số khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng trưởng. Nguồn thu từ du lịch quốc tế đóng góp 5,1% GDP cả nước. Doanh thu du lịch từ thị trường quốc tế trong giai đoạn này tăng trưởng trung bình 21,1% mỗi năm.
Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã chào đón 18 triệu lượt khách nước ngoài, tăng trưởng 16,2%. Các thị trường khách quốc tế trọng điểm tới Việt Nam du lịch thời gian này gồm Đông Bắc Á (67%), châu Âu (12%), Đông Nam Á (11%), châu Mỹ (6%). Còn lại là các nước châu Á khác và châu Úc.
Những tưởng ngành du lịch quốc gia sẽ tiếp tục theo đà đi lên, nhưng đại dịch COVID-19 đã giáng xuống một đòn mạnh. Năm 2020, Việt Nam chỉ đón 3,8 triệu khách quốc tế. Doanh thu du lịch giảm gần một nửa, từ 539 nghìn tỷ đồng (năm 2019) xuống còn 277 nghìn tỷ (năm 2020).
Mức độ nhận biết về Việt Nam còn thấp
Nghe có vẻ vô lý nhưng mức độ nhận biết về Việt Nam của du khách Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc chỉ ở mức trung bình thấp, mặc dù họ chiếm tỷ trọng khách quốc tế đến Việt Nam cao nhất. Cụ thể, mức độ nhận biết về Việt Nam của nhóm khách này chỉ đạt 4,1/7 điểm.
Có thể thấy du khách từ Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc chưa thực sự tiếp cận được với hình ảnh điểm đến du lịch của Việt Nam. Họ đi nước ngoài để thư giãn sau dịch và có xu hướng đi du lịch cùng gia đình. Việt Nam chính là một trong những lựa chọn phù hợp nhất với chi phí rẻ, di chuyển thuận tiện, cảnh quan đẹp mắt, khí hậu dễ chịu hay sự an toàn. Những yếu tố này có ảnh hưởng lớn nhất tới quyết định xuất ngoại của du khách từ 3 quốc gia này.
Ngoài những điều kiện trên, dường như họ chưa biết nhiều về văn hóa, lịch sử, ẩm thực hay các bản sắc dân tộc Việt. Đây chính là điều Việt Nam cần cố gắng cải thiện trong những sản phẩm/chương trình kích cầu du lịch của mình.
Những nguyên nhân khác
Theo các chuyên gia, ngoài các sản phẩm chưa đạt chất lượng, chính sách visa (thị thực) còn nhiều bất cập cũng là lý do lớn khiến Việt Nam không đạt mục tiêu đón khách quốc tế.
Thủ tục phức tạp, thời gian lưu trú ngắn hay chỉ được nhập cảnh một lần được cho là những rào cản về visa đối với khách tới Việt Nam. Trong khi đó, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu thực hiện chương trình “thị thực vàng” kèm thời gian lưu trú lên đến 10, 20 năm với nhiều quyền lợi để thu hút du khách.
Một nguyên nhân khác là sự thiếu hụt nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn vốn trong các cơ sở dịch vụ du lịch như lữ hành, khách sạn, nhà hàng,… Sau 2 năm dịch bệnh kéo dài, tất cả phải làm lại từ đầu và chưa đủ sẵn sàng để đón khách quốc tế trở lại.
Ngoài ra, việc hai thị trường khách inbound lớn như Trung Quốc và Nga chậm mở cửa cũng ảnh hưởng nhiều tới du lịch Việt Nam. Tin vui là từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa lại. Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi để lật ngược tình thế.
Từ dữ liệu của The Outbox Company và kinh nghiệm từ các nước lân cận, chúng ta nên thoải mái hơn trong chính sách cấp visa, đầu tư nhiều hơn để các sản phẩm/dịch vụ/chương trình xúc tiến du lịch trở nên hấp dẫn,… nhằm đạt mục tiêu 8 triệu khách quốc tế vào năm 2023.