Dưới tác động của dịch Covid-19, thái độ và hành vi của người tiêu dùng nói chung và khách du lịch nói riêng đều đã thay đổi, trở nên khó dự đoán hơn. Trong bối cảnh hiện tại, trạng thái bình thường mới đã được thiết lập, các hạn chế đi lại tại Việt Nam đã được dỡ bỏ, nhưng du lịch quốc tế vẫn còn khá nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa sẽ là chìa khóa để bù đắp phần nào những thiệt hại cho ngành cũng như làm đòn bẩy tái khởi động hoạt động du lịch.
Vừa qua, công ty cung cấp các giải pháp nghiên cứu và phân tích dữ liệu cho ngành du lịch và khách sạn The Outbox Company (Outbox) đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và phát hành báo cáo về “Mức độ sẵn sàng trở lại du lịch của du khách Việt” để đưa ra cái nhìn toàn cảnh hơn về mức độ sẵn sàng và dự định du lịch của họ trong thời kỳ mới.
Báo cáo khảo sát du khách trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện vào ngày 13 – 15/10/2021, khi cả nước vừa nới lỏng giãn cách để xem xét mức độ sẵn sàng của du khách cũng như nhận thức về việc đi du lịch ngay tại thời điểm cuộc sống vừa bắt đầu trở về bình thường. Giai đoạn 2 được thực hiện vào 07 – 09/11/2021, khi cuộc sống đã trở lại bình thường 1 thời gian nhằm xem xét sự thay đổi trong mức độ sẵn sàng cũng như nhận thức về việc đi du lịch của du khách ngay tại thời điểm này.
Mức độ sẵn sàng du lịch đang có xu hướng giảm
Nhìn chung, sau một thời gian đóng cửa, giãn cách xã hội, sự lây lan nhanh cũng như các biến chủng mới của dịch bệnh, nhiều người dần ngần ngại tới những nơi đông người. Theo báo cáo của Outbox, mặc dù các hạn chế đi lại đã được nới lỏng hơn trên khắp Việt Nam, thời điểm du khách Việt tự tin đi du lịch trở lại sẽ khó có thể sớm hơn Quý 2 năm 2022.
Những yếu tố chính tác động đến mức độ sẵn sàng đi du lịch của du khách Việt Nam hiện tại bao gồm lo ngại về tình hình tài chính cá nhân và sức khỏe, thay đổi trong suy nghĩ về việc đi du lịch, mức độ hào hứng và sự cởi mở tiếp nhận thông tin du lịch.
Rõ ràng, đại dịch đã gây hệ quả khủng khiếp về mặt kinh tế, tài chính với các quốc gia, doanh nghiệp, các ngành nghề nói chung và từng cá nhân nói riêng. Vì thế, tình hình tài chính là một trong những nguyên nhân lớn tác động trực tiếp đến mức độ sẵn sàng du lịch của nhiều người. Tuy nhiên, theo báo cáo, một điểm sáng trong xu hướng tâm lý này là du khách bắt đầu lạc quan hơn về tình hình tài chính của bản thân, tuy vẫn ở mức độ khiêm tốn. Nghiên cứu của Outbox chỉ ra rằng số du khách lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh lên tình hình tài chính ở giai đoạn 2 giảm đến 9,4% so với khảo sát ở giai đoạn 1.
Nhịp sống bắt đầu bình thường lại, cùng với độ phủ vắc-xin nhanh và rộng cũng đã khiến du khách bớt lo ngại hơn về ảnh hưởng của dịch bệnh đến sức khỏe cá nhân. Số du khách lo ngại về tình hình dịch bệnh lên sức khỏe ở giai đoạn 2 đã giảm 6,6% so với giai đoạn 1.
Tuy những mối lo về tài chính và sức khỏe đã phần nào giảm bớt, nhưng sự lạc quan và tâm lý hào hứng du lịch của du khách đang có chiều hướng đi xuống theo thời gian. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy du khách đang có xu hướng do dự hơn khi nghĩ về việc đi du lịch trong tương lai. Ở giai đoạn giữa tháng Mười, lệnh hạn chế di chuyển khiến cho tâm lý du khách bị dồn nén, nên nhu cầu được đi lại thoải mái khi đó cũng tăng cao. Ngoài ra, việc nới lỏng giãn cách cũng là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã chuyển biến tích cực hơn, vì vậy khi cuộc sống trở lại bình thường, họ luôn nghĩ rằng mình đã “khá sẵn sàng” cho việc du lịch trở lại. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian dần trở về quỹ đạo, người ta bắt đầu lưỡng lự hơn trong việc đi du lịch. Đặc biệt, số du khách lựa chọn dời lại việc đi du lịch cũng tăng 7,4% ở giai đoạn 2.
Tâm lý do dự đi du lịch tăng lên đã kéo theo việc mức độ hào hứng giảm xuống. Ở giai đoạn 1, khi lệnh nới lỏng giãn cách vừa được áp dụng, mức độ hào hứng đi du lịch trở lại vẫn ở mức cao. Nhưng theo thời gian, mức độ hào hứng cho hoạt động du lịch giảm dần.
Xu hướng thay đổi tâm lý của du khách Việt cũng được phản ánh trên mức độ cởi mở trong việc tìm kiếm, tiếp nhận những thông tin quảng bá của điểm đến và sản phẩm của các đơn vị cung cấp dịch du lịch. Cụ thể, ở giai đoạn 1, du khách chủ động và rất cởi mở tiếp nhận các thông tin cũng như sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, mức độ hào hứng trong việc đi du lịch giảm dần cũng khiến du khách bớt đi sự hứng thú trong việc tiếp nhận thông tin ở giai đoạn 2 của cuộc khảo sát (giảm 18,2% so với giai đoạn 1).

Nguồn: Báo cáo “Vietnamese Travel Sentiment” của The Outbox Company
Nhìn chung, mức độ sẵn sàng du lịch của du khách Việt đang giảm dần và dừng ở giai đoạn đang cân nhắc và cần khá nhiều thời gian để có thể thực sự đi du lịch trở lại. Do đó, các chính sách và hoạt động kích cầu cùng những thông điệp giúp giảm những lo lắng của du khách nên được thực hiện đúng thời điểm nhằm nắm bắt đúng tâm lý và nhu cầu của khách du lịch Việt trong giai đoạn mới này.
Nhưng họ vẫn đang ấp ủ những dự định du lịch
Mức độ sẵn sàng của du khách được phản ánh rất rõ trong việc lựa chọn thời điểm đi du lịch trở lại. Nếu như ở giai đoạn 1, với mức độ sẵn sàng cao, họ nghĩ rằng Tết sẽ là thời điểm tốt để có thể đi du lịch trở lại. Trong khi đó, ở giai đoạn 2, du khách có xu hướng trì hoãn dần chuyến du lịch của mình đến giai đoạn sau Tết (tháng 3 – 6/2022).
Theo báo cáo, du lịch quốc tế vẫn còn rất lâu mới có thể phục hồi khi tất cả du khách ở cả hai giai đoạn đều đồng ý rằng họ chỉ đi ra nước ngoài trở lại chỉ khi dịch bệnh được khống chế. Chính vì vậy, cho đến lúc đó, du lịch nội địa vẫn đóng vai trò quan trọng trong lộ trình phục hồi của ngành du lịch.
Đa phần du khách ngày nay đang có chiều hướng lựa chọn hình thức du lịch biển đảo hoặc nghỉ dưỡng.
Trước tác động của đại dịch, họ có xu hướng bỏ qua những điểm đến phổ biến, đông người, thay vào đó là những nơi thư giãn riêng tư hơn hay khám phá những điểm đến mới thú vị và độc đáo.
Qua khảo sát, có thể nhận thấy mức độ sẵn sàng đi du lịch của du khách Việt đang có dấu hiệu giảm xuống. Tuy nhiên, tin vui là họ đã bớt những lo ngại về tình hình tài chính và sức khỏe nhờ độ phủ vắc-xin cao cùng trạng thái bình thường mới. Họ cũng vẫn luôn nhen nhóm ý định đi du lịch nội địa, song song với việc hạn chế tới những nơi tập trung đông người. Các cơ quan, điểm đến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch có thể phát triển những chính sách, sản phẩm hay chiến dịch với thông điệp phù hợp để tăng sự tự tin của du khách, đảm bảo sự an toàn và trải nghiệm cho họ trong thời kỳ mới.
Destination Review