Mới đây, The Outbox Company đã ra mắt báo cáo Hành vi du lịch của khách Việt tìm hiểu về thị hiếu và hành vi của du khách trong dịp Tết 2022. Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, mặc dù đại dịch đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh tế, nhưng với nhu cầu đi du lịch bị dồn nén trong đại dịch, du khách Việt sẵn sàng chi tiêu mạnh tay hơn ngay khi có cơ hội đi du lịch trở lại.
Theo báo cáo, có đến gần 55% du khách được khảo sát cho biết họ dành mức ngân sách nhiều hơn cho chuyến du lịch của mình so với thời điểm trước đại dịch là năm 2019. 19% chi tiêu bằng với ngân sách năm 2019 và khoảng 26% chi tiêu ít hơn so với năm 2019.
Đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp, mức ngân sách trung bình là khoảng 13,5 triệu VND. Trong nhóm này, những hộ gia đình chi tiêu ít hơn so với năm 2019 chủ yếu là vì họ lo lắng về tình hình tài chính của mình (khoảng 37%). Tỷ lệ của những lý do còn lại cho việc chi tiêu ít hơn khá tương đương nhau, chẳng hạn như chuyến đi ít ngày hơn (khoảng 22%), để dành cho các chuyến đi quốc tế trong tương lai (20,5%), và điều chỉnh chuyến đi để phù hợp với những lo ngại về sức khoẻ (20,5%).
Trong khi đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp nhưng chi tiêu nhiều hơn so với năm 2019 phần lớn là vì họ đầu tư cho các trải nghiệm (56,3%). 12,7% có mức ngân sách cao hơn trước đại dịch vì họ tiết kiệm được nhiều hơn và 30% chi tiêu nhiều hơn vì gia đình đang cần được thư giãn.

Du khách Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm. Nguồn hình: Freepik
Các hộ gia đình có thu nhập trung bình cũng có động lực chi tiêu tương tự như nhóm thu nhập thấp. Họ dành mức ngân sách nhiều hơn năm 2019 vì 48% muốn chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm, 37% muốn gia đình được thư giãn thoải mái hơn và 10,7% là vì họ tiết kiệm được nhiều hơn. Một tỷ lệ nhỏ (4,1%) chi tiêu nhiều hơn vì sử dụng các chính sách của công ty cho việc làm ở nhà.
Lý do chính khiến các hộ gia đình có thu nhập trung bình chi tiêu ít hơn trước đại dịch vẫn chủ yếu là vì lo lắng về tình hình tài chính cá nhân (38%), hoặc họ đi du lịch ngắn ngày hơn (26,7%). Mức chi tiêu trung bình cho chuyến du lịch dịp Tết vừa rồi của các hộ gia đình có thu nhập trung bình là khoảng 17,5 triệu VND, không khác biệt quá nhiều so với hộ gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, con số này ở các hộ gia đình có thu nhập cao lại chênh lệch nhiều, với khoảng 32,3 triệu VND, cao gần gấp đôi so với hộ gia đình có thu nhập trung bình. Lý do các hộ có thu nhập cao chi tiêu nhiều hơn trước đại dịch chủ yếu vẫn là dành cho các trải nghiệm (46,7%) hoặc muốn gia đình được thư giãn (34,3%).
Nguồn: Báo cáo “Hành vi du lịch của khách Việt Tết 2022”, The Outbox Company
Khác với hai nhóm thu nhập thấp hơn, các hộ gia đình có thu nhập cao nhưng chi tiêu ít hơn năm 2019 vì lý do chính là họ đi du lịch ngắn ngày hơn (31,7%), chỉ có khoảng 23,3% chi tiêu ít hơn vì lo lắng về tài chính, 23,3% để dành cho các chuyến đi quốc tế trong tương lai.
Có thể thấy, tâm lý đi du lịch trở lại của du khách Việt dịp Tết vừa rồi chủ yếu tập trung vào việc trải nghiệm và thư giãn sau thời gian đại dịch căng thẳng, đó cũng là động lực chính để du khách chi tiêu nhiều hơn so với trước dịch.
Điều này cũng góp phần thúc đẩy hành vi lựa chọn nơi lưu trú và trải nghiệm của du khách. Báo cáo của The Outbox Company cho thấy, phần lớn du khách ưu tiên các loại hình lưu trú từ tầm trung trở lên trong chuyến đi vừa qua, với 30% du khách lưu trú tại các khách sạn 3 sao, 22% du khách lựa chọn các khách sạn từ 4 đến 5 sao, 16% lưu trú tại các khu nghỉ dưỡng.
Nguồn: Báo cáo “Hành vi du lịch của khách Việt Tết 2022”, The Outbox Company
Xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các trải nghiệm cũng được giải thích qua sự ưa chuộng của du khách đối với các trải nghiệm đặc trưng của điểm đến, khi gần 35% du khách chọn khám phá các quán ăn địa phương, địa điểm tham quan ít người; khoảng 32% tham quan các điểm du lịch tại điểm đến và 25% tham gia các hoạt động giải trí.
Với 9,6 triệu lượt du khách nội địa được ghi nhận, Tết Nhâm Dần 2022 vừa qua là một giai đoạn sôi nổi hiếm hoi của ngành du lịch Việt Nam sau khoảng thời gian gần hai năm đối mặt với đại dịch. Hành vi chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch trở lại, cũng như xem trọng giá trị của những trải nghiệm tại điểm đến trong dịp Tết vừa qua là dấu hiệu tích cực đối với ngành du lịch Việt Nam và là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành đón đầu và đáp ứng những nhu cầu mới của du khách.