Sau những nốt trầm do đại dịch gây ra suốt 2 năm qua, ngành du lịch Việt Nam hiện đang có dấu hiệu phục hồi rất tốt, làm bàn đạp cho mùa du lịch hè nhộn nhịp trở lại. Tuy nhiên, họ vẫn còn những mối lo nhất định về việc đi du lịch. Thị hiếu của du khách cũng có một số thay đổi. Hãy cùng tham khảo báo cáo mới nhất của công ty Outbox để có cái nhìn rõ hơn về mức độ sẵn sàng du lịch của người Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2022 nhé!
Mới đây, Outbox, công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu du lịch, đã phát hành báo cáo “Vietnamese Travel Sentiment Snapshot kỳ tháng 6 – 9/2022”. Dữ liệu được thu thập trong tháng 5/2022, trên 600 người Việt có nhu cầu đi du lịch trong 3 tháng sắp tới. Báo cáo đặt mục tiêu hỗ trợ các điểm đến và doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam nắm bắt mức độ sẵn sàng, suy nghĩ và thị hiếu du lịch của khách Việt để từ đó có phương án chuẩn bị thích hợp cho mùa du lịch quan trọng nhất năm – mùa du lịch hè.
Mức độ phục hồi của thị trường du lịch Việt
Theo báo cáo “Vietnamese Travel Sentiment Snapshot kỳ tháng 6 – 9/2022”, du lịch Việt Nam hiện đang trong giai đoạn phục hồi; đạt 8,69 điểm trên thang điểm 10.
Kết quả trên được ghi nhận nhờ các chính sách đóng, mở cửa biên giới và biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn dịch vụ du lịch và từ 15/5, du khách tạm thời không cần xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh vào nước ta.
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng hạng cao nhất trên thế giới.
Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của du lịch nội địa, khi đón 48,6 triệu lượt khách trong 5 tháng đầu năm. Dẫu vậy, nhiều người vẫn đang có những băn khoăn và lo lắng về việc đi du lịch trong thời gian tới.
Cảm nhận và các mối lo ngại của du khách Việt
Cảm nhận về trải nghiệm du lịch, phần lớn du khách Việt cho rằng việc di chuyển vẫn còn nhiều hạn chế, giá cả leo thang, mức độ an toàn chưa cao,… và rằng bức tranh du lịch đã phần nào phục hồi nhưng còn ảm đạm.
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, có hơn 47% người được khảo sát lo ngại về tình hình tài chính và gần 48% bày tỏ nỗi lo về sức khỏe. Bên cạnh đó, đa số họ lo ngại về việc đi du lịch nước ngoài, cả du lịch nghỉ dưỡng lẫn công vụ (với hơn 6/10 điểm). Du lịch trong nước từ 1-2 đêm được đánh giá là ít gây lo ngại nhất (4,34/10 điểm). Nhìn chung, du lịch nội địa vẫn được nhiều du khách Việt ưa chuộng và lựa chọn hơn du lịch quốc tế trong 3 tháng tới đây.
Khi quyết định đi du lịch trở lại sau đại dịch, mọi người thường bị tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Theo khảo sát của Outbox, những điều ảnh hưởng nhất đến quyết định du lịch trở lại của du khách Việt là nỗi lo lắng về các biến thể của dịch bệnh, về sự an toàn của người thân là trẻ em và người lớn tuổi. Kế đến là du lịch quá đắt đỏ ở thời điểm hiện tại, sự an toàn của bản thân và vấn đề tài chính, chi tiêu. Một số khác lại cho rằng ngành du lịch hiện vẫn chưa thực sự sẵn sàng, dẫn đến chính họ cũng chưa sẵn sàng đi du lịch trở lại.
Thị hiếu mới trong việc lựa chọn điểm đến du lịch
Như đã đề cập ở trên, du lịch nội địa hiện đang tăng trưởng mạnh hậu Covid-19.
Chính vì vậy, trong tương lai gần, du khách Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước, khám phá các điểm đến xinh đẹp của Tổ quốc.
Theo báo cáo “Vietnamese Travel Sentiment Snapshot kỳ tháng 6 – 9/2022”, nếu đi nước ngoài, du khách Việt cũng sẽ ưu tiên những điểm đến gần Việt Nam hơn. Cụ thể, 76% người được khảo sát sẽ đi tới các nước châu Á – Thái Bình Dương, 13% chọn châu Âu và 11% muốn đến châu Mỹ.

Nguồn: Báo cáo “Vietnam Travel Sentimen Snapshot 9 – 10/2022” từ công ty The Outbox Company
Top 5 điểm đến quốc tế được bình chọn nhiều nhất gồm Nhật Bản (22%), Hàn Quốc (18%), Singapore (12%), Thái Lan (10%) và Mỹ (9%).
Hiện tại, các quốc gia này đều đã nới lỏng các quy định và hạn chế nhập cảnh.
Đơn cử, từ ngày 1/6, Nhật Bản đã tăng gấp đôi giới hạn số người được phép nhập cảnh lên mức 20.000 người/ngày, miễn cách ly và xét nghiệm với nhiều đối tượng nhập cảnh. Cũng từ ngày 1/6, Hàn Quốc bắt đầu cấp thị thực trở lại cho khách du lịch nước ngoài. Trước đó, xứ củ sâm cũng đã loại Việt Nam khỏi danh sách tăng cường kiểm dịch. Hay Mỹ đã chính thức bãi bỏ yêu cầu du khách đến bằng đường hàng không phải có giấy xét nghiệm Covid-19, có hiệu lực kể từ 12/6. Các hãng hàng không Việt Nam cũng đã nối lại nhiều đường bay, đồng thời mở thêm nhiều đường bay tới các quốc gia trên.
Qua báo cáo của Outbox, có thể nhận thấy thị trường du lịch Việt được đánh giá là đang trên đà phục hồi nhanh. Tình hình hiện tại đang ngày càng chuyển biến tốt khi người dân đã được tiêm vắc-xin đầy đủ và việc di chuyển cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những đắn đo, trăn trở về việc đi du lịch trở lại. Đó cũng là lý do nhiều du khách Việt mong muốn đi du lịch trong nước và các điểm đến lân cận Việt Nam hơn là tới các châu lục xa xôi, ít nhất là trong 3 tháng hè theo khảo sát. Vì vậy, các tỉnh thành của Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh các sản phẩm du lịch độc đáo, hiện đại nhưng vẫn chứa đựng nét truyền thống, văn hóa và lịch sử đậm hồn đất Việt để thu hút không chỉ khách nội địa mà còn cả du khách quốc tế.
Destination Review