Đi du lịch chỉ với mục đích là ngủ thật nhiều liệu có phải là phí phạm? Với nhiều du khách, đây chính là một trong những cách chữa lành và phục hồi sức khỏe hiệu quả nhất. Hình thức sleep tourism (tạm dịch là du lịch ngủ) đang nở rộ và hứa hẹn sẽ sớm bùng nổ ở thì tương lai gần.
Phổ biến do đại dịch
Đúng như tên gọi, sleep tourism là loại hình đi du lịch và dành hầu hết thời gian để chìm vào giấc ngủ. Ngoài ngủ nghỉ, ăn uống và vệ sinh, những vị khách này sẽ không tập trung vào việc khám phá điểm đến hay tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo hoặc vận động nhiều.
Sleep tourism nổi lên sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt, khi ngày càng có nhiều người gặp phải tình trạng mất ngủ. Cụ thể, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ lâm sàng, có tới 40% trong số hơn 2.500 người trưởng thành tham gia khảo sát cho biết chất lượng giấc ngủ của họ bị suy giảm đáng kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Nghiên cứu của Sleep Foundation cho biết nước Mỹ hiện có từ 50-70 triệu người trưởng thành mắc các chứng rối loạn giấc ngủ, đa phần là mất ngủ.
Chuyên gia thôi miên, thiền định và trị liệu toàn diện Malminder Gill, nhận thấy sự thay đổi thái độ của mọi người với giấc ngủ. Cô trao đổi với CNN Travel: “Mọi thứ dường như đang hướng tới việc sống lâu và tôi nghĩ điều này đã thúc đẩy nhiều thứ. Vì rõ ràng giấc ngủ là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề khác nhau cho cơ thể và sức khỏe tinh thần của bạn như lo lắng, trầm cảm, thiếu hứng thú, dễ thay đổi tâm trạng,….”
Chính vì lẽ đó, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và doanh nghiệp du lịch đã nhanh chóng nắm bắt và cung cấp thêm nhiều dịch vụ đặc biệt để du khách có thể tận hưởng giấc ngủ êm ái hơn.
Đa dạng giải pháp
Nhằm mang lại sự thoải mái và thư giãn nhất cho khách hàng trong khi ngủ, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng không ngần ngại nâng cấp thiết kế, nội thất, hợp tác với các chuyên gia trị liệu cũng như sử dụng các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ khác.
Thiết kế và nội thất
Tiếng ồn là một trong những tác động lớn nhất có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng giấc ngủ. Đó là lý do nhiều cơ sở lưu trú xây dựng những căn phòng cách âm tốt cho khách ngủ ngon, đơn cử như Zedwell Piccadilly Circus, khách sạn đầu tiên ở London (Anh) tập trung vào giấc ngủ với các phòng cách âm đặc biệt. Một căn phòng rộng rãi, tiện nghi cũng sẽ giúp ích rất nhiều. Khách sạn Park Hyatt New York (Mỹ) đã cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite, loại phòng rộng hơn 80 mét vuông được trang bị mọi thứ cần thiết nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng đầu tư nhiều vào các loại giường nệm, gối hỗ trợ giấc ngủ như đệm có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, tùy chọn chăn theo trọng lượng, gối đầu phù hợp với các tư thế khác nhau, v.v. Chu đáo hơn cả, khách sạn Figueroa ở Los Angeles (Mỹ) gửi tới khách hàng một phiếu khảo sát từ 2-3 tuần trước khi tới lưu trú như những lựa chọn về loại vải may ga giường hay chăn,… Chưa hết, khách sạn cũng sẽ sản xuất một chiếc gối phù hợp với chỉ số cơ thể và thói quen ngủ của mỗi khách.
Các sản phẩm và liệu trình giúp ngủ sâu giấc
Ngoài sự yên tĩnh và chăn ấm nệm êm, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng còn đưa ra các sản phẩm đi kèm rất hữu dụng khác như trà thảo mộc, các loại xịt gối thơm, tinh dầu, máy phun sương,… Hương thơm dễ chịu và không gian thư thái không chỉ giúp du khách ngủ ngon mà còn có thể dễ dàng thấy những giấc mơ đẹp.
Với những vị khách mất ngủ kinh niên, một số khách sạn và khu nghỉ dưỡng còn bắt tay các chuyên gia trong việc trị liệu để đảm bảo những cải tiến của mình khoa học và có hiệu quả. Ví dụ như Malminder Gill đã hợp tác cùng The Cadogan, A Belmond Hotel ở London, tạo ra “Sleep Concierge”, dịch vụ dành cho du khách gặp vấn đề về giấc ngủ. Dịch vụ này cung cấp các bản ghi âm thiền định dỗ giấc ngủ, các loại gối phù hợp với từng tư thế ngủ, chăn theo trọng lượng, trà và xịt gối thơm.
Không chỉ có các khách sạn và khu nghỉ dưỡng mới có đặc quyền trong phát triển du lịch ngủ, một công ty du lịch bất kỳ cũng có thể phát triển loại hình này. Destination Review đã từng đưa tin về ulu travel cùng dịch vụ Sleeping Bus Tour, một tour ở Hồng Kông cho phép du khách ngủ 5 tiếng đồng hồ trên xe buýt. Đối tượng khách hàng của chuyến đi độc đáo này là những người chỉ có thể ngủ ngon giấc trên tàu xe. Chu đáo hơn, công ty này còn tặng bịt mắt và nút bịt tai cho hành khách, chuẩn bị bữa ăn và có những điểm dừng để họ xuống chụp ảnh, đi dạo, giãn gân cốt hoặc đi vệ sinh. Nhờ đó, ulu travel đã giúp nhiều vị khách cảm thấy sảng khoái hơn sau khi ngủ suốt tuyến đường dài trên 80km.
Tạm kết
Ngày càng có nhiều người mất ngủ không phải là một tin vui nhưng đáng mừng là mọi người đang dần biết quan tâm hơn tới sức khỏe và giấc ngủ của mình, sẵn sàng chi tiêu nhiều để “mua” một giấc ngủ ngon lành ở một nơi xa. Hiểu rõ điều đó nên các đơn vị kinh doanh trong ngành du lịch đang cố gắng hết sức để giúp họ có những trải nghiệm ngủ nghỉ, thư giãn thật tốt. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng chú trọng vào cơ sở vật chất cho phòng nghỉ, còn các doanh nghiệp khác lại cần có sự đột phá và các sản phẩm sáng tạo hơn nếu muốn tham gia vào trào lưu du lịch ngủ này.
Mặc dù trải nghiệm du lịch tập trung vào giấc ngủ ngắn hạn chưa chắc sẽ có tác động lâu dài tới chất lượng ngủ, nhưng họ vẫn nhận được nhiều lợi ích trước mắt. Theo Tiến sĩ Rebecca Robbins, nhà nghiên cứu về giấc ngủ và đồng tác giả của cuốn sách “Sleep for Success!” (tạm dịch: Ngủ để thành công), các doanh nghiệp cũng cần tham khảo ý kiến của những chuyên gia uy tín vì dẫu sao, giấc ngủ cũng liên quan nhiều tới y học và khoa học.
Destination Review