Đại dịch COVID-19 đã để lại ảnh hưởng nặng nề cho ngành du lịch và khách sạn. Thời gian qua, nhiều khách sạn ở thành phố Hồ Chí Minh buộc phải đóng cửa và rao bán do do lượng khách quốc tế giảm và doanh thu thấp hơn dự đoán. Thậm chí, nhiều chủ khách sạn phải vay ngân hàng để kinh doanh hoặc thuê mặt bằng bán lẻ.
Nhiều khách sạn lớn ở trung tâm thành phố đã phải ngừng hoạt động như Norfolk, Lavender, Catina Saigon, Rosa Hotel, Le Petit,…
Bên cạnh việc đóng cửa khách sạn, nhiều khách sạn được rao bán hoặc cho thuê trên các nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến. Chẳng hạn, một khách sạn 8 tầng ở Quận 1 được chào bán với giá 138 tỷ đồng (5,8 triệu USD). Bất động sản này có hợp đồng cho thuê hai năm với giá hơn 400 triệu đồng ($17.000) mỗi tháng. Hay khách sạn 15 phòng Amore Saigon Hotel cho thuê khoảng 165 triệu đồng/tháng ($7.000).
Du lịch Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là du lịch quốc tế. Sau một năm mở cửa du lịch, tỷ lệ phục hồi của du lịch quốc tế đến Việt Nam trong quý 1 xấp xỉ 60%, khá chậm so với tình hình chung của thế giới (80%) nhưng cao hơn khu vực châu Á – Thái Bình Dương (54%).
Giá vé máy bay tăng cao, thiếu nguồn nhân lực, danh sách các quốc gia được miễn thị thực hạn chế, thời hạn miễn thị thực ngắn cũng ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ phục hồi du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Quý Tuấn, Giám đốc cấp cao bộ phận Đầu tư khách sạn khu vực APAC, JLL, cho biết các khách sạn ở Việt Nam cần cập nhật và thay đổi sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng linh hoạt và hiệu quả. Trong đó, doanh nghiệp cần linh hoạt trong việc cung cấp trải nghiệm kết hợp hơn là chỉ tập trung vào một sản phẩm dịch vụ.
Tính đến tháng 4/2023, du lịch Việt Nam ghi nhận nhiều tính hiệu tích cực khi đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách quốc tế, tương đương tổng số lượng khách quốc tế trong năm 2022. Số liệu này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch. Các dự báo cho biết trong 1-2 năm nữa, các thị trường du lịch trọng điểm mới có thể hồi phục về mức 2019.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều rào cản. Dù lãi suất điều hành đã giảm, các nhà đầu tư vẫn khó tiếp cận với các khoản vay mới, đồng thời cũng đang rất thận trọng trong giao dịch mua bán. Họ nên theo dõi thị trường và du khách sát sao hơn để có thể nhanh chóng bắt nhịp với nhu cầu và sự phục hồi chung.