Sau dịch, giá vé máy bay tăng cao ở nhiều khu vực trên thế giới. Đặc biệt, giá vé ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng cao nhất, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm 2019. Bắc Mỹ và châu Âu tăng lần lượt 17% và 12%.
Vấn đề phát sinh khi các quốc gia Bắc Mỹ và châu Âu đã nới lỏng các hạn chế ở biên giới từ trước, nhưng nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản chỉ mới mở cửa du lịch trở lại cách đây không lâu. Ngành hàng không của những quốc gia này chịu ảnh hưởng nặng nề và đang trong giai đoạn phục hồi, nên giá vé tăng cao.
Theo Trip.com, chỉ tính riêng tại Trung Quốc, mặc dù giá vé máy bay tăng, nhưng nhu cầu du lịch cao đã đẩy doanh thu du lịch nội địa dịp nghỉ lễ 1/5 tăng 101% so trước dịch, với khoảng 274 triệu lượt đi. Khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế cũng đạt mức cao nhất trong ba năm qua, với lượng đặt vé máy bay tăng vọt gần 900% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù nhu cầu du lịch hàng không tăng cao nhưng nguồn cung lại gặp nhiều khó khăn vì tình trạng thiếu nguồn lực lao động do nhiều hãng cắt giảm nhân sự gồm nhân viên lao động phổ thông và phi công. Những yếu tố khác như không phận Nga đóng cửa, giá nhiên liệu tăng cũng góp phần khiến giá vé tăng mạnh.
Nhiều hãng hàng không lớn chưa thể hoạt động được hết công suất do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Lệnh trừng phạt liên quan đến Nga cũng khiến Airbus, Boeing cùng các nhà cung cấp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên liệu chế tạo, đẩy giá thành lên cao.
Các hãng hàng không giá rẻ chưa mở lại các đường bay cũ. Trong khi đó, Alitalia, Air Namibia, Flybe và 61 hãng hàng không khác đã phá sản trong dịch.
Trong bối cảnh này, giá vé hàng không được dự báo sẽ tăng liên tục đến năm 2024.