Hà Nội (HAN) – TP.HCM (SGN) là tuyến đường bay nội địa nhộn nhịp nhất Đông Nam Á, phục vụ hơn 977.000 ghế. Đây cũng là tuyến đường bay đứng thứ ba trong top 10 đường bay nội địa “nhộn nhịp” nhất thế giới.
Theo dữ liệu từ OAG, công suất bay của khu vực Đông Nam Á trong tháng 7/2023 là 37.2 triệu ghế, cao hơn 20% so với tháng 7/2022 nhưng vẫn thấp hơn 15% so với cùng kỳ năm 2019. Indonesia là quốc gia có tổng sức chứa chỗ ngồi lớn nhất ở Đông Nam Á với 10.5 triệu ghế, chiếm 28% công suất của khu vực. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 2 với tổng số 6.7 triệu chỗ ngồi, chiếm 19% công suất của khu vực. Theo sau là Thái Lan với 6.2 triệu ghế, chiếm 17% tổng công suất khu vực.
Đường bay Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh là đường bay nội địa nhộn nhịp nhất khu vực Đông Nam Á trong tháng 7. Bên cạnh đó, Việt Nam còn 3 đường bay khác nằm trong top 10 đường bay bận rộn nhất trong khu vực bao gồm Đà Nẵng – Hà Nội, Đà Nẵng – Sài Gòn và Cam Ranh – Hà Nội. Đáng chú ý, công suất của đường bay Cam Ranh – Hà Nội tiếp tục tăng 16% so với tháng trước.
Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) là hãng bay có công suất lớn thứ nhì khu vực. Hãng cung ứng 2.9 triệu ghế trong tháng này, sau Lion Air của Indonesia với 3.1 triệu ghế. Vietnam Airlines cũng là đơn vị tăng sản lượng ghế nhiều nhất trong khu vực, với mức tăng 57% so với tháng 6/2023.
Top 10 sân bay hàng đầu Đông Nam Á cũng không thay đổi và chiếm 59% tổng sức chứa khu vực. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đứng thứ 5 về sản lượng hành khách nội địa (gần 2.4 triệu lượt) và quốc tế (khoảng 76,500 lượt) trong tháng 7 này.
Sự gia tăng sức chứa hàng không ở Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy ngành hàng không của khu vực đang tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước trước khi sức chứa trở lại mức trước đại dịch.