Trong 5 tháng đầu năm 2023, cả nước đã đón gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng gấp 19 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 5/2023, ước tính Việt Nam đón khoảng 916.300 lượt khách quốc tế, giảm 6,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, con số này vẫn cao gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2023 đáng chú ý, nhưng nhìn chung lượng khách chỉ bằng 63% so với con số được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Xét về nguồn khách, trong tổng số gần 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, châu Á tiếp tục là khu vực nguồn hàng đầu. Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,3 triệu lượt khách. Theo số liệu từ Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (Bank of Korea – BoK), trong quý 1/2023, số lượng người Hàn Quốc khởi hành đi du lịch nước ngoài tăng nhanh trong bối cảnh các hạn chế COVID-19 được nới lỏng. Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đi du lịch nước ngoài nhằm mục đích giải trí thay vì giáo dục và đào tạo. Mặc dù lượng khách Hàn Quốc đến Việt Nam trong tháng 5 giảm 4,6% so với tháng 4/2023, nhưng hiện vẫn cao gấp nhiều lần so với các thị trường gửi khách khác từ khu vực Đông Bắc Á. Cụ thể là cao gấp 3,3 lần so với thị trường Trung Quốc, gấp 5,2 lần thị trường Đài Loan, và gấp 6,5 lần thị trường Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn thứ hai với hơn 398.000 lượt, tăng 31% so với tháng trước đó. Đây được xem như một dấu hiệu tích cực đến từ thị trường quan trọng này. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Mỹ, Đài Loan và Thái Lan. Ngoài các quốc gia kể trên, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia, Úc và Singapore cũng đóng góp đáng kể vào lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Như vậy, với 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt 57,5% mục tiêu kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại du lịch quốc tế đã bước vào thời kỳ thấp điểm, nên việc hoàn thành mục tiêu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào bài toán thu hút khách du lịch cho mùa cao điểm cuối năm. Do đó, các sản phẩm và chương trình phù hợp rất quan trọng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng. Ngoài ra, việc nghiên cứu nắm bắt tâm lý, hành vi của du khách cho thời điểm sắp tới rất cần thiết. Mục đích là đưa ra các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn của khách du lịch, từ đó thu hút được lượng lớn khách quốc tế và tạo động lực tăng trưởng.