Sau khi chứng kiến sự sụt giảm cực mạnh của du lịch outbound (du lịch nước ngoài) năm 2020, ngành du lịch hiện tại đã có thể “thở phào” khi du khách bắt đầu tự tin xuất ngoại trở lại.
Vừa qua, The Outbox Company đã cho ra mắt báo cáo “Du Khách Việt Đã Kết Nối Lại Thị Trường Outbound Như Thế Nào?”, nói về xu hướng và hành vi du lịch nước ngoài của khách Việt. Báo cáo này nằm trong chuỗi các báo cáo syndicated report thuộc Outbox Insight. Đây là một trong hai mảng chính mà The Outbox Company tập trung khai thác sau khi tái định vị thương hiệu.
Mức độ lo ngại giảm dần dẫn đến nhu cầu đi lại gia tăng
Báo cáo “Mức độ sẵn sàng trở lại du lịch của du khách Việt” hồi tháng 6 của Outbox đã chỉ ra rằng mức độ lo lắng về sự an toàn của điểm đến đã giảm dần theo thời gian. Tháng 10/2021, chỉ số này là 8,21 điểm (trên thang điểm 10). Chỉ sau 1 tháng, mức độ quan ngại tới sự an toàn đã giảm xuống còn 7,85 điểm và tiếp tục giảm còn 6,15 điểm vào tháng 5/2022. Khi mức độ sẵn sàng dần khôi phục, người Việt đã bắt đầu đưa các điểm đến ngoài nước vào kế hoạch du lịch của mình.
Cùng với nhu cầu bị dồn nén quá lâu, du lịch nội địa lẫn quốc tế đã tăng trưởng nhanh chóng. Theo báo cáo “Du Khách Việt Đã Kết Nối Lại Thị Trường Outbound Như Thế Nào?” của Outbox, 88,5% du khách Việt Nam được hỏi đã đi du lịch cả trong và ngoài nước trong 9 tháng đầu năm 2022.
65% khách Việt chi tiêu nhiều hơn cho du lịch nước ngoài
Qua khảo sát, Outbox nhận thấy khách du lịch Việt Nam đã có những thay đổi nhất định trong hành vi và xu hướng đi du lịch nước ngoài.
Họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn như một cách giải tỏa căng thẳng do dịch bệnh gây ra sau thời gian bị kìm hãm. 65% du khách được hỏi cho biết mình vung tiền nhiều hơn cho chuyến đi nước ngoài so với năm 2019.
Trước COVID-19, 48% khách outbound Việt Nam ưa thích những tour du lịch nhóm có hướng dẫn viên từ các đại lý du lịch. Tuy nhiên, lựa chọn này đang mất dần ưu thế khi chỉ được 20% du khách lựa chọn trong mùa hè vừa qua. Giờ đây, đa số thích tự lên kế hoạch du lịch cho bản thân và gia đình hoặc bạn bè.
Dù trước hay sau dịch, chi phí của chuyến đi vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của du khách. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19, ngoài chi phí, người ta đặc biệt chú ý tới thông tin về sự an toàn của điểm đến. Top 5 hoạt động được khách Việt yêu thích nhất khi đi nước ngoài gồm tham quan (72,09%), khám phá ẩm thực (66,8%), mua sắm (57,3%), đi công viên giải trí (51,8%) và thăm các di tích văn hóa (48,8%).
Du khách Việt Nam đang rút ngắn thời gian lên kế hoạch cho chuyến xuất ngoại còn dưới một tháng (62% năm 2022 so với 29,3% năm 2019). Họ cũng ngày càng ưa chuộng việc đặt chỗ linh hoạt. Lý do là vì thời thế dễ thay đổi và khó dự đoán. Thời gian lên kế hoạch ngắn hơn và đặt chỗ linh hoạt có thể giúp họ giảm thiểu rủi ro.
Tầng lớp trung lưu mới với sức tiêu dùng cao hơn
Báo cáo của Outbox nhận định rằng tầng lớp trung lưu mới của Việt Nam sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển của du lịch outbound. Họ là những người có mức thu nhập khá (trên 15 triệu đồng), sức tiêu dùng hàng ngày tăng (từ 30 USD trở lên) và dân trí cao. Gần 60% dân số Việt Nam dưới 35 tuổi được giáo dục tốt hơn và có thu nhập cao hơn các thế hệ trước.
Không chỉ chi tiêu nhiều hơn khi đi du lịch, họ còn có nhận thức về việc bảo vệ môi trường và tính bền vững của điểm đến. Những điều này tạo nên một thị trường đầy hứa hẹn cho nhiều điểm đến.
Năm 2022 đánh dấu giai đoạn đầu tiên của quá trình phục hồi du lịch khi nhu cầu bị kìm nén đã bùng nổ trong sự hào hứng. Tuy nhiên, đâu đó người ta vẫn còn rất thận trọng trong việc đi du lịch nước ngoài. Một số dự báo cho biết năm 2023 sẽ chứng kiến mức độ lạc quan về du lịch hơn nữa. Các doanh nghiệp và điểm đến cần sớm nắm bắt những xu hướng mới và sự thay đổi trong hành vi du lịch của du khách để đạt hiệu quả tốt trong thời gian tới.