Du lịch LGBT đang dần trở nên thu hút trong những năm gần đây, khi nhiều tổ chức và thị trường du lịch trên toàn thế giới bắt đầu nhận ra tiềm năng của hình thức du lịch độc đáo này. Trên thực tế, thuật ngữ “Du lịch LGBT” (LGBT Tourism) đã được sử dụng trong nhiều báo cáo của các tổ chức lớn trên toàn thế giới, như UNWTO. Khi thế giới đang mở cửa trở lại với du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành và du lịch hiện đang để ý đến các khách du lịch thuộc cộng đồng LGBT – những người có sức chi tiêu lớn và có sở thích đi du lịch thường xuyên hơn.
Du lịch LGBT là gì?
Du lịch LGBT, còn được gọi là Pink Tourism hoặc Gaycation, là một hình thức du lịch phục vụ cho những người thuộc cộng đồng LGBT+. Lý do dẫn đến sự hình thành của hình thức du lịch này là vì nhiều nơi vẫn có các vấn đề như:
- Quyền bình đẳng cho LGBT chưa có nhiều tiến bộ hoặc bước tiến tốt
- Có luật pháp hoặc văn hóa địa phương mang tính không lành mạnh, thậm chí là nguy hiểm với khách du lịch thuộc cộng đồng LGBT+
Do đó, khi du lịch đến những quốc gia với những vấn đề này, khách du lịch LGBT có thể gặp nhiều rủi ro, ảnh hướng đến tài chính, sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Do đó, sự an toàn trở thành một yếu tố cốt lõi của du lịch LGBT.
Du lịch LGBT thường sẽ gói gọn quanh các sản phẩm được thiết kế riêng cho cộng đồng LGBT+, như lễ cưới, tuần trăng mật cho người đồng tính, hoặc các chương trình du lịch cung cấp tour và cơ sở lưu trú cho các nhóm đồng tính nam và đồng tính nữ.
Tất cả các sản phẩm này đều nhấn mạnh vào sự an toàn của điểm đến, đảm bảo rằng du khách tham gia sẽ được người dân và nhân viên phục vụ chào đón một cách nồng nhiệt và tôn trọng, không phải lo lắng về việc bị phân biệt đối xử.
Nhóm khách du lịch này vô cùng đa dạng, bao gồm nhiều thành phần khác nhau như đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, phi nhị nguyên, v.v. tuy có nhiều sở thích du lịch khác nhau, nhưng đa số họ đều có chung một điều kiện khi du lịch là sự an toàn của điểm đến. Theo nghiên cứu của UNTWO, du khách LGBT+ sẽ có khả năng cao hơn trong việc hình thành brand loyal và brand awareness (lòng trung thành với thương hiệu và nhận thức thương hiệu) nếu các doanh nghiệp lữ hành thực hiện các hoạt động du lịch và truyền thông liên quan đến cộng đồng LGBT+.
Một lợi ích từ hình thức du lịch này là sức mạnh chi tiêu cao của du khách LGBT+. Theo John Tanzella, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch LGBTQ + Quốc tế (IGLTA), nhiều gia đình thuộc cộng đồng LGBT+ thường không vướng bận chuyện nuôi con, nên họ có nhiều thời gian để du lịch thường xuyên, đồng thời có nhiều tiền hơn để dùng cho các chuyến đi, khái niệm này được gọi là DINK (Thu nhập kép, không có con), một thuật ngữ mà nhiều doanh nghiệp lữ hành hay gắn với thị trường du lịch sang trọng
Đặc biệt, ở những nơi nổi tiếng thân thiện với cộng đồng LGBT+, thì hình thức du lịch độc đáo này đã đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu du lịch của nhiều địa phương. Thái Lan, một trong những quốc gia nổi tiếng nhất khi nói về du lịch LGBT+, đã kiếm được 5,3 tỷ USD tù du lịch LGBT+ vào năm 2019, đóng góp 1,15% cho nền kinh tế nước.
Các điều kiện để phát triển du lịch LGBT
Một trong những ưu tiên hàng đầu của du lịch LGBT là sự an toàn, vì phần đông các quốc gia vẫn còn phân biệt đối xử, thậm chí có hành vi bạo lực với những người thuộc cộng đồng LGBT+. Họ phải hứng chịu những lời nói cay nghiệt, xúc phạm nặng nề, có khi bị đánh đập, bỏ tù, hoặc thậm chí là mất mạng. Đây là một vấn đề đáng buồn mà nhiều du khách LGBT+ phải cân nhắc khi chọn địa điểm. Vậy nhưng, ngay cả khi một điểm đến đã được xem là an toàn, nhiều du khách thuộc cộng đồng này vẫn cảm thấy lạc lõng, đơn độc khi đi trên các chuyến tour theo nhóm, do có quá nhiều khác biệt về sở thích và văn hóa với các du khách khác. Do đó, nhu cầu về những chuyến du lịch được thiết kế riêng cho cộng đồng LGBT+ đang ngày càng cao hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, việc đảm bảo an toàn cho các du khách lại rất khó khăn, phần lớn phụ thuộc vào luật pháp và văn hóa địa phương, đưa nhiều doanh nghiệp lữ hành vào thế bị động.
Trên thực tế, mặc dù xã hội đã có nhiều bước đi tiến bộ trong quyền bình đẳng của người LGBT, vẫn còn hơn 70 quốc gia trên toàn thế giới sẵn sàng bỏ tù người đồng tính luyến ái, 11 trong số đó có án tử cho những người thuộc thành phần LGBT+.
Tiềm năng du lịch LGBT+ tại Việt Nam
Những năm qua,Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về quyền của người LGBT+. Từ việc bãi bỏ lệnh cấm kết hôn đồng giới vào năm 2014, đến việc hợp pháp hóa quyền chuyển đổi giới tính vào năm 2015, Việt Nam đang dần trở thành một nơi thích hợp để phát triển hình thức du lịch LGBT.
Theo Báo cáo Toàn cầu lần thứ hai về Du lịch LGBT năm 2017 của UNTWO, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch LGBT để trở thành một thị trường ngách, với nhiều du khách LGBT+ đặc biệt chú tâm vào hình thức du lịch đô thị, với những hoạt động, địa điểm như đi bar, night club, nhà hàng, những địa điểm mua sắm,…. Bên cạnh đó, việc tạo ra các gói tour theo hình thức du lịch LGBT đòi hỏi đội ngũ nhân sự ở mọi cấp độ có thể sẵn sàng chào đón và không phân biệt, đối xử du khách LGBT+, từ đó mất thêm công sức, thời gian và tiền bạc để tuyển đúng người và đạo tạo nhân sự đã có. Tuy nhiên, các thế hệ trẻ có xu hướng cởi mở, chấp nhận hơn với cộng đồng LGBT+, nên vấn đề nhân sự này sẽ dần biến mất khi các bạn trẻ bắt đầu làm trong ngành du lịch nhiều hơn.
Destination Review