Hiệp hội Du lịch Châu Á – Thái Bình Dương (PATA) vừa đưa ra các kịch bản phục hồi lượng khách quốc tế thời gian tới. Sau khi lượng du khách quốc tế đến hàng năm tăng mạnh trong năm 2022, các dự đoán hiện cho rằng đà tăng trưởng đó sẽ đạt đỉnh vào năm 2023 trước khi giảm dần đến năm 2025. Lý do là nhu cầu du lịch bị dồn nén dần dần được giải tỏa.
Trong báo cáo “Dự báo lượng khách Châu Á – Thái Bình Dương 2023 – 2025” đối với 39 điểm đến tại khu vực này, PATA dự báo lượng khách sẽ quay trở lại mức trước khi xảy ra COVID-19 vào năm 2023. Trong trường hợp xấu nhất, có thể phải đến cuối năm 2025, lượng khách đến vẫn sẽ thấp hơn 12% so với mức năm 2019.
Các dự báo về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2023 – 2025 đều cho thấy lượng khách quốc tế sẽ tăng đáng kể. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm cả tình hình mỗi điểm đến. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng hàng năm của lượng khách quốc tế đến châu Á được dự đoán là 254% vào năm 2023 trong tình huống lạc quan nhất, 171% theo kịch bản trung bình và 127% cho kịch bản xấu nhất. Những con số này được đưa ra dựa vào về việc Trung Quốc đang dần mở cửa du lịch trong và ngoài nước trở lại.
Các điểm đến khác của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ không tăng trưởng mạnh như châu Á. Dẫu vậy, mức tăng trưởng vẫn đạt tốc độ đáng kể và duy trì tích cực trong suốt giai đoạn 2023-2025.
Mặc cho những xu hướng trong dự báo mới nhất đều khá tích cực, Chủ tịch của PATA, ông Peter Semone, cho biết vẫn còn đó nhiều thách thức. Cụ thể là những biến thể của vi-rút SARS-CoV-2, khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu, những xung đột địa chính trị hay chiến tranh thương mại dai dẳng và các thay đổi do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết sự tăng trưởng ở các điểm đến Châu Á – Thái Bình Dương không giống nhau khi vẫn còn những sự gián đoạn cục bộ. Một điều quan trọng khác mà ông chỉ ra là cần phải thay đổi từ việc tiếp thị đơn thuần cho điểm đến sang đánh giá nhu cầu của du khách một cách có trách nhiệm và bền vững. Cuối cùng, ông cũng nhấn mạnh việc quan trọng không kém chính là nguồn nhân lực cho ngành du lịch và lữ hành vốn đã bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch. Việc thu hút họ trở lại làm việc là một nhiệm vụ khó khăn, trừ khi các điều kiện làm việc được cải thiện.