Khảo sát là một trong những phương pháp nghiên cứu thị trường phổ biến. Trên cơ sở tạo ra một lượng dữ liệu lớn, nó góp phần quan trọng trong việc phát triển chiến lược marketing của các doanh nghiệp.
Trong quá trình khảo sát, việc đào sâu để tìm kiếm những thông tin hữu ích, có giá trị, mang tính cá nhân là một bước rất cần thiết. Và phỏng vấn sâu là kỹ thuật hàng đầu để có được những thông tin như vậy.
Phỏng vấn sâu là gì?
Phỏng vấn sâu là phương pháp nghiên cứu định tính tập trung cao độ được sử dụng để tiến hành phỏng vấn giữa người với người. Mục đích là tập trung vào một sản phẩm, tình huống hoặc mục tiêu cụ thể để thu thập insight về hành vi của người tiêu dùng. Một người được phỏng vấn dễ chịu thường sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin.
Các hình thức chính
Trò chuyện thân mật: Đây thường là cuộc đàm thoại giữa hai người với nhau. Mấu chốt của hình thức này là sự thoải mái, cởi mở và thân quen. Nhà nghiên cứu dùng đối thoại để hình thành các câu hỏi mở một cách tự nhiên. Người tham gia không nhất thiết phải được thông báo về mục đích của cuộc phỏng vấn. Điều này cho phép người phỏng vấn khám phá các góc độ mới khi họ nêu ý kiến.
Phỏng vấn bán cấu trúc: Các cuộc phỏng vấn này thường dựa trên các chủ đề liên quan đến phạm vi khảo sát. Các câu hỏi mang tính nhất quán trong suốt quá trình phỏng vấn. Người phỏng vấn có thể thay đổi trình tự các câu hỏi và điều chỉnh mức độ thăm dò tùy theo diễn biến của câu chuyện. Nhà nghiên cứu tự do khai phá các chủ đề và góc độ mới xuất hiện trong cuộc phỏng vấn.
Phỏng vấn mở và chuẩn hóa: Hình thức này thường sử dụng các câu hỏi mở cụ thể được chuẩn bị trước và được sử dụng theo cùng một thứ tự trong suốt cuộc phỏng vấn với những người tham gia. Mục đích là xác định sự khác biệt về thái độ và cách tiếp cận giữa những người được phỏng vấn. Khác với bảng câu hỏi, các câu hỏi mở giúp mở rộng phạm vi phỏng vấn và đưa ra các góc nhìn mới.
Ưu điểm của phỏng vấn sâu
Ngân sách “dễ chịu”: Các cuộc phỏng vấn chuyên sâu không đòi hỏi chi phí quá cao. Tuy nhiên, việc cụ thể hoá số người tham gia và mục tiêu sẽ có tác động đến vấn đề ngân sách.
Giao tiếp phi ngôn ngữ: Trọng tâm của một cuộc phỏng vấn trực tiếp bao gồm ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng nói, biểu cảm gương mặt. Thông qua đó, người phỏng vấn có thể hiểu đầy đủ hơn về những điều mà người trả lời muốn truyền đạt.
Mối quan hệ tích cực: Một trong những ưu điểm chính của phỏng vấn sâu trong nghiên cứu là chúng cho phép nhà nghiên cứu phát triển mối quan hệ thân cận với người tham gia. Điều này mang lại cái nhìn sâu sắc, phong phú và đa dạng hơn. Nó cho người phỏng vấn phạm vi rộng mở để tìm hiểu sâu hơn về các lĩnh vực và chuyển hướng cuộc phỏng vấn khi cần thiết.
Trò chuyện từ xa: Công nghệ hiện đại, sự nở rộ của các nền tảng mạng xã hội giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng, tiện lợi hơn. Trò chuyện trực tuyến còn xóa tan mọi khoảng cách địa lý, và đôi khi giúp người tham gia phỏng vấn ở trạng thái tự tin và thoải mái nhất.
Nhược điểm của phỏng vấn sâu
Đòi hỏi người có chuyên môn tốt: Để phỏng vấn sâu giúp nghiên cứu thị trường thành công, người phỏng vấn phải có trình độ đào tạo, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp. Không đơn thuần là một cuộc trò chuyện, mọi thứ cần được vận hành một cách chuyên nghiệp. Thực hiện một cuộc phỏng vấn mở, đồng thời duy trì cấu trúc và tập trung cao độ vào kết quả mong muốn là một kỹ năng đặc biệt.
Tính khách quan: Kết quả của việc phỏng vấn sâu thường dựa trên một mẫu nhỏ và không thể định lượng được. Việc phân tích chúng cần được thực bởi các chuyên gia độc lập để đảm bảo tính khách quan. Phỏng vấn sâu cần được thực hiện cùng thời điểm hoặc trước khảo sát định lượng.