Được thiên nhiên ưu ái, Phú Quốc (Kiên Giang) thường xuyên góp mặt trong top các điểm đến du lịch và điểm đến biển đảo nổi tiếng nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đảo ngọc đang dần “mất điểm” trong mắt du khách vì nhiều lý do.
Phú Quốc đã từng nằm trong top 3 điểm đến được khách nội địa ưa thích nhất theo khảo sát của Outbox vào quý 4/2022. Nhưng tới quý 1/2023, hòn đảo này chỉ đứng vị trí thứ 10 trong danh sách các điểm đến nội địa được du khách Việt lựa chọn. Gần đây nhất, trong dịp nghỉ lễ dài 5 ngày, dù được kỳ vọng nhiều nhưng Phú Quốc chỉ đón được hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 132 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Phú Quốc đang dần mất điểm vì thiếu khuyết một số yếu tố quan trọng trong quyết định du lịch của du khách.
Vừa qua, kết quả khảo sát từ mô hình Theo dõi hành vi khách du lịch Việt Nam quý 1/2023 của Outbox đã chỉ ra các yếu tố tác động đến quyết định lựa chọn điểm đến trong nước của du khách Việt bao gồm ngân sách, thời gian, mức độ đa dạng của các hoạt động, điểm đến xu hướng và có nhiều thông tin về điểm đến. Phú Quốc sở hữu những thế mạnh nào và vì sao nơi đây đang ngày càng đánh mất hình ảnh đẹp của mình?
Những điểm mạnh khiến Phú Quốc lừng danh một thời
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong năm 2022, Phú Quốc đã đón hơn 4,7 triệu lượt khách, tăng 25% so với kế hoạch năm.
Điểm đến xu hướng
Phú Quốc là đảo lớn nhất Việt Nam, đồng thời là hòn đảo đầu tiên của cả nước trở thành thành phố biển đảo (từ 2021). Phú Quốc được thiên nhiên ban tặng cho hàng chục hòn đảo lớn nhỏ, 150km đường bờ biển, 14 bãi biển đẹp được ví như thiên đường trên hạ giới, khí hậu ôn hòa, các rạn san hô đa dạng, sinh vật biển trù phú,…
Phú Quốc từng được vinh danh trên nhiều tạp chí lớn như Travel+Leisure, TIME, Conde Nast Traveller,… và giành các giải thưởng danh giá trong ngành du lịch như Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới tại Giải thưởng Du lịch thế giới 2022 (World Travel Awards – WTA),… Danh tiếng từ các tạp chí và giải thưởng uy tín đã góp phần không nhỏ vào độ phủ sóng của hòn đảo.
Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng thu hút nhiều tập đoàn lớn (Marriott, Sun Group, Vingroup,…) tới đầu tư dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, giải trí sang trọng và đẳng cấp. Các công trình độc đáo, mới đây nhất là cầu Hôn, cũng được rót vốn xây dựng.
Thời gian di chuyển thuận tiện
Khả năng tiếp cận dễ dàng cũng là một điểm cộng đáng kể của Phú Quốc. Du khách có thể tới đây bằng tàu cao tốc trên biển hoặc máy bay. Hiện tại, đã có khá nhiều đường bay thẳng kết nối trực tiếp Phú Quốc với các thành phố lớn trong và ngoài nước như TP.HCM, Hà Nội, Singapore, Seoul, Bangkok,… với thời gian di chuyển không quá dài.
Tuy vậy, những tháng gần đây, hình ảnh điểm đến của Phú Quốc đang ngày càng đi theo chiều hướng tiêu cực. Các điểm trừ liên quan tới ngân sách, mức độ đa dạng của các hoạt động và thông tin về điểm đến đã gây ảnh hưởng nhiều tới sức hấp dẫn của điểm đến này.
Năng lực cạnh tranh của du lịch Phú Quốc đang suy yếu, do đâu?
Chi phí chuyến đi quá cao
Dù là trong hoàn cảnh nào hay thời điểm nào, chi phí của chuyến đi vẫn luôn là một trong những yếu tố quan trọng nhất với hầu hết khách du lịch.
Thời gian qua, giá vé máy bay được nhiều người cho là một trong những rào cản lớn nhất đối với du lịch Phú Quốc. Có giai đoạn, giá vé khứ hồi tới đây còn cao hơn chi phí cho một chuyến đi nước ngoài. Theo ghi nhận từ đầu tới giữa tháng 4, giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc dao động từ 6 tới 10 triệu đồng, cao hơn cả tổng ngân sách cho một chuyến đi nước ngoài như Thái Lan hay Malaysia. Chặng TP.HCM – Phú Quốc cũng có mức giá trên 4 triệu. Điều này trực tiếp khiến công suất phòng khách sạn giảm cũng như tỷ lệ hủy phòng gia tăng do chi phí di chuyển quá cao. Trước lễ 30/4-1/5 khoảng 10 ngày, giá vé máy bay có giảm từ khoảng 20-40% nhưng tình trạng vẫn không khá hơn là bao khi đa số du khách đã chốt tour từ trước và Phú Quốc không nằm trong dự định của họ lúc đó.
Ngoài ra, chi phí ăn uống cũng được đánh giá là đắt đỏ ở Phú Quốc, có lúc dao động từ 700.000-2.000.000 đồng. Là vựa hải sản khổng lồ nhưng giá các món từ thủy hải sản thậm chí còn cao hơn so với các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội. Có những khách phản ánh rằng thay vì hải sản tươi sống, họ lại được phục vụ những món ăn đông lạnh. Nhiều du khách cảm thấy bị “chặt chém” vì giá thành không xứng đáng với giá trị và chất lượng sản phẩm. Các nguyên do chính được đưa ra cho thực trạng này là chi phí thuê mặt bằng cao, nhiều nguyên liệu phải nhập từ đất liền, hay chi phí cho “cò mồi”.
Với mức ngân sách cho toàn bộ chuyến đi quá cao, Phú Quốc dần dà không còn nằm trong danh sách lựa chọn hàng đầu của khách Việt như trước đây.
Sự đa dạng của các hoạt động
Đến với Phú Quốc, du khách thường nhắc nhiều tới các hoạt động biển hấp dẫn như lặn ngắm san hô, đi bộ dưới biển, đi tàu tham quan đảo,… hoặc các khu vui chơi, công viên giải trí, vườn quốc gia. Tuy nhiên, giá cả của nhiều hoạt động cũng khá cao, có thể lên đến 1.500.000 đồng/người/lượt. Mức chi phí này đủ để khiến nhiều du khách Việt Nam e dè trải nghiệm.
Hiện nay, trong hành trình du lịch, ngoài các hoạt động nghỉ dưỡng và trải nghiệm mới lạ, nhiều du khách rất quan tâm tới việc tìm hiểu và gắn kết với cộng đồng địa phương. Chính vì vậy, các hoạt động khác gắn với các giá trị văn hóa địa phương cũng nên được chú trọng thêm tại Phú Quốc. Việc này vừa theo xu hướng, vừa gia tăng mức độ đa dạng của các hoạt động, ví dụ như thăm làng nghề làm nước mắm, khám phá cuộc sống của các ngư dân,… Chưa hết, các hoạt động này có thể hỗ trợ cho người dân địa phương. Đây là một khía cạnh của tính bền vững, xu hướng nổi bật sau đại dịch.
Không có nhiều thông tin chính thống và đáng tin cậy
Phú Quốc hiện chưa xây dựng được một kênh chính thống đủ uy tín, cung cấp thông tin đa dạng để du khách tìm hiểu trước khi đi. Khi tìm kiếm trên mạng, hầu hết thông tin đề xuất là từ các công ty du lịch và các đại lý du lịch trực tuyến (OTAs). Nhiều trang không đưa ra được thông tin chi tiết, minh bạch, có thể khiến du khách bối rối.
Phú Quốc sẽ không lâm vào cảnh sớm nở tối tàn nếu được khai thác đúng cách. Để giành lại tình cảm của du khách, việc lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng họ là cực kỳ quan trọng. Trước mắt, có thể thấy rõ họ đang mong muốn chi phí chuyến đi hợp lý hơn, cả về di chuyển, lưu trú, ăn uống và các sản phẩm du lịch. Không chỉ vậy, để hiểu thêm những nhu cầu khác, việc theo dõi và phân tích hành vi cũng như tâm lý của họ rất cần thiết. Tập trung vào khách du lịch sẽ là chìa khóa vàng đưa ngành du lịch Phú Quốc trở lại những ngày huy hoàng trước kia.