Thị trường khách sạn toàn thế giới đang chứng kiến sự phục hồi nhanh chóng đáng kinh ngạc. Dựa trên dữ liệu từ báo cáo mới của Amadeus, có thể dễ dàng nhận thấy bối cảnh ngành du lịch đang ngày càng sáng sủa sau 2 năm khủng hoảng.
Theo báo cáo “Hospitality Market Insights” (tạm dịch: Cái nhìn sâu sắc về thị trường khách sạn) của Amadeus, công suất phòng khách sạn toàn cầu trong tháng Sáu đã vượt qua mức năm 2019, trong đó kênh bán lẻ vượt qua thị phần trước đại dịch ở tất cả các khu vực. Các kênh phân phối chung của thương hiệu và đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) tiếp tục hoạt động tốt với chi phí của kênh đặt phòng trực tiếp.
Công suất phòng khách sạn toàn cầu trong tháng Sáu đã vượt qua mức năm 2019, trong đó kênh bán lẻ vượt qua thị phần trước đại dịch ở tất cả các khu vực.
Các thị trường nghỉ dưỡng ở Châu Á Thái Bình Dương (chẳng hạn như Bali) đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nhu cầu, với việc các kênh phân phối chung của thương hiệu và kênh bán lẻ đều cải thiện mức độ thâm nhập so với năm 2019 và tháng trước. Hay Trung Quốc gần đây đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế, điều này được phản ánh trong đợt tăng tháng Sáu. Kênh phân phối chung của thương hiệu đang vượt quá thị phần so với năm 2019 và đang tăng lên mỗi tháng.
Công suất khách sạn toàn cầu 2022 bám sát mức trước dịch
Dựa trên dữ liệu của Amadeus, công suất khách sạn toàn cầu năm 2022 có xu hướng theo sát, thậm chí vượt qua cả mức của 3 năm trước. Số liệu mới nhất cho thấy công suất phòng toàn thế giới năm nay tính tới ngày 17/6 đạt 67%, cao hơn 2% so với năm 2019. Trong khi công suất năm 2021 đạt 54% và năm 2020 chỉ chạm mốc 28%.
Nếu xét theo từng khu vực, châu Âu hiện đang là khu vực có tỷ lệ lấp đầy khách sạn cao nhất thế giới với 42%. Tiếp theo là Nam Thái Bình Dương (39%), Mỹ (34%), châu Á (23%), châu Mỹ Latinh và Trung Đông/châu Phi cùng đạt 21%. Riêng Đại Trung Hoa đang tạm xếp cuối bảng với chỉ 8%.
Bằng việc nới lỏng hạn chế, giảm thời gian cách ly tập trung, khôi phục và tăng cường các chuyến bay,… Đại Trung Hoa hy vọng sẽ lại sớm thấy ngành du lịch sôi động của vài năm trước.
Ngành khách sạn châu Á Thái Bình Dương đang trên đà phục hồi tốt
Theo Amadeus, lượng đặt vé máy bay lẫn khách sạn (ròng) tính từ đầu năm 2022 tới nay đều có xu hướng gia tăng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (trừ Đại Trung Hoa). Tuy nhiên, ngành hàng không chịu tổn thất nặng nề hơn rất nhiều trong giai đoạn đầu của dịch bệnh và sẽ còn cần thời gian dài để có thể đạt mức trước đại dịch. Hiện, lượng đặt vé máy bay trong khu vực này mới chỉ bằng khoảng một nửa mức cuối năm 2019.
Trong khi đó, lượng đặt khách sạn tại châu Á Thái Bình Dương gần như đã chạm mức trước đại dịch, theo số liệu tính tới đầu tháng 6/2022. Ngoài ra, một tín hiệu đáng mừng khác cho ngành khách sạn là số lượng hủy phòng hàng tuần đang ở mức thấp (dưới 200.000 lượt) trên toàn khu vực, ngoại trừ Đại Trung Hoa, khu vực thực hiện mục tiêu không Covid nghiêm ngặt và vừa mở cửa trở lại gần đây nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Việc giảm hủy đặt chỗ phần nào cho thấy du khách đã tự tin hơn để quay lại với du lịch.
Lượng đặt khách sạn gia tăng, lượng hủy chỗ giảm dẫn đến tỷ lệ lấp đầy khách sạn cũng tăng theo. Dựa trên dữ liệu từ báo cáo của Amadeus, xét về công suất phòng hàng tháng, khoảng cách giữa năm 2019 (trước đại dịch) và 2022 (sau đại dịch) đã được thu hẹp đáng kể. Cụ thể, công suất phòng hàng tháng ở châu Á Thái Bình Dương đạt 52% vào tháng Sáu năm nay, gần bằng con số 60% của cùng kỳ năm 2019. Con số của tháng Sáu năm 2020 và 2021 lần lượt là khoảng 15% và 30%.
Vậy trong loạt điểm đến lớn nhỏ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, đâu là nơi đang ghi nhận tốc độ phục hồi và tỷ lệ lấp đầy khách sạn cao nhất?
Theo Amadeus thống kê, công suất phòng tháng Bảy (tính đến ngày 17/6) của Seoul và Singapore đang dẫn đầu, cùng đạt 36%. Một điểm đến khác cũng xuất sắc bứt phá trong mảng này chính là Bali. Còn nhớ năm ngoái, Bali đón lượng khách quốc tế thấp kỷ lục, chỉ vỏn vẹn 45 người. Trước đó, hòn đảo thiên đường này thu hút tới khoảng 6,2 triệu lượt khách nước ngoài vào năm 2019 và 1,05 triệu năm 2020. Với tình hình hiện tại, Bali được kỳ vọng sẽ sớm hồi sinh như trước. Theo sau Seoul, Singapore và Bali là Melbourne và Tokyo (30%), Sydney (26%), Bangkok (25%), Goa (23%), Chennai (21%),…
Qua báo cáo lần này, có thể nhận thấy mọi thứ đang dần dịch chuyển theo hướng tích cực tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong phân khúc thị trường, một tin đáng mừng là phân khúc không bán được phòng năm nay đã giảm so với cả 3 năm trước, chỉ còn 21%, so với 23% năm 2019, 25% năm 2020 và 28% năm 2021. Khách thuộc phân khúc khuyến mãi đang chiếm tỷ lệ cao nhất (31%), cao hơn năm 2019 (28%).
Điều này cho thấy khách du lịch vẫn rất ưa chuộng các mức ưu đãi từ các công ty dịch vụ và điểm đến.
Ngoài ra, các kênh phân phối trong ngành khách sạn đang quay về quỹ đạo trước đây. Cụ thể, kênh đặt phòng trực tiếp vẫn chiếm thị phần cao nhất (40%) vào năm 2022, con số năm 2019 là 42%. Hai kênh tiếp theo chiếm tỷ lệ lớn gồm kênh phân phối chung của thương hiệu và OTA. Cuối cùng, GDS (Global Distribution System, mạng lưới đặt chỗ được điện toán hóa trên toàn thế giới) và CRS (Central Reservation System – hệ thống đặt phòng trung tâm) chỉ chiếm trên dưới 10% trước và sau đại dịch.
Tạm kết
Trong nửa đầu năm 2022, các quốc gia trên thế giới từng bước kiểm soát được dịch bệnh và lần lượt mở cửa trở lại. Song song đó, ngành du lịch nói chung và khách sạn nói riêng cũng đã không ngừng nỗ lực làm mới và sáng tạo thêm nhiều mô hình, sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhờ đó, ngành khách sạn toàn cầu đang có những điểm sáng đáng chú ý, tăng trưởng không thua kém giai đoạn trước dịch là bao. Theo báo cáo của Amadeus, châu Á Thái Bình Dương chưa phải khu vực top đầu phục hồi tốt nhất nhưng đã đạt những thành quả đáng ghi nhận. Trong mùa du lịch cao điểm này, ngành khách sạn châu Á Thái Bình Dương cũng như tất cả các khu vực khác hứa hẹn sẽ tiếp tục khởi sắc và có thể vượt mức trước đại dịch.
Destination Review