Chúng ta đã đi gần hết quý 1 của năm 2023. Tính tới thời điểm này, những tín hiệu về sự khởi sắc của thị trường khách du lịch nước ngoài vẫn chưa thực sự rõ ràng. Như vậy, thị trường nội địa vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chìa khóa trong ngành du lịch Việt Nam năm nay.
Thị trường khách quốc tế chưa thể sớm sôi động trở lại
Khách Trung Quốc chưa ồ ạt trở lại
Trong đợt thí điểm lần 2, Trung Quốc đã cho phép mở lại tour đoàn tới thêm 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, từ ngày 15/3/2023. Dù rất phấn khởi nhưng dựa trên tình hình thực tế, các chuyên gia nhận định khách Trung Quốc sẽ chưa ồ ạt đổ tới Việt Nam.
Cần làm rõ một điều rằng chính phủ Trung Quốc chỉ mới đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm tổ chức tour du lịch theo đoàn, chứ không phải là từ ngày 15/3, thị trường khách Trung Quốc đã hoàn toàn phục hồi. Ngay cả trong điều kiện mở cửa hoàn toàn, một thị trường phải cần một khoảng thời gian nhất định để có thể kết nối lại. Khách Trung Quốc trong điều kiện lạc quan nhất có thể trở lại nhiều với Việt Nam sớm nhất từ quý 2, thậm chí là phải chờ đến quý 3 năm nay.
Khách Hàn Quốc chưa nhận biết nhiều về hình ảnh điểm đến Việt Nam
Trước lẫn sau dịch, Hàn Quốc vẫn luôn là một trong những thị trường khách inbound lớn nhất với Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có hơn 3,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Trong đó, du khách Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt trên 965.000 lượt (chiếm 26,4%). Trong 2 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt trên 1,8 triệu lượt người. Khách Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu với hơn 560 nghìn lượt.
Dù đến thăm Việt Nam rất đông nhưng theo một khảo sát gần đây của Outbox, đa số khách Hàn Quốc vẫn chưa ấn tượng và hiểu biết nhiều về Việt Nam. Vì vậy, khả năng họ giới thiệu và quay trở lại điểm đến sẽ không đạt mức cao. Chúng ta sẽ cần phải tìm cách thức mới thu hút và nâng cao mức độ hài lòng của họ trong lúc chờ thị trường Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ.
Khách Ấn Độ tiềm năng nhưng phức tạp
Với dân số lớn thứ 2 thế giới và nền kinh tế lớn phát triển nhanh, thị trường Ấn Độ đang được nhiều điểm đến, trong đó có Việt Nam, xem là “miếng bánh” hấp dẫn. Theo India MOT ghi nhận năm 2019, tổng số lượng khách của Ấn Độ đi du lịch nước ngoài là 29 triệu lượt và tăng trưởng 143% lượt khách du lịch nước ngoài Ấn Độ từ giữa năm 2009 đến 2019. Tuy vậy, đây vẫn là phân khúc còn mơ hồ và phức tạp đối với Việt Nam. Vẫn còn đó những rào cản ngôn ngữ, ẩm thực hay các dịch vụ du lịch phù hợp cho du khách Ấn Độ tại Việt Nam. Thị trường ở mỗi nơi đều khác nhau và để chinh phục được du khách, chúng ta cần phải hiểu, nghiên cứu để tiếp cận họ một cách hiệu quả nhất.
Các thị trường “xa bờ” khác
Du khách Mỹ đang ngày càng để mắt tới du lịch Việt Nam. Tháng 2/2023, Mỹ chỉ xếp sau Hàn Quốc về số khách tới Việt Nam (ước đạt 69.648 lượt khách). Sức chi tiêu của họ cũng luôn nằm trong top đầu thế giới. Ấy thế nhưng với chính sách thị thực và xuất nhập cảnh chưa thông thoáng hiện tại, Việt Nam sẽ khó hút khách ở các thị trường xa như Mỹ, châu Âu vốn ưa chuộng thời gian lưu trú dài.
Sức mạnh của thị trường nội địa
Năm 2022, thị trường nội địa là điểm sáng của du lịch Việt Nam với 101,3 triệu lượt khách, tăng 1,5 lần so với mục tiêu 60 triệu, vượt cả mức 2019. Theo đà này, ngành du lịch Việt Nam kỳ vọng đón 102 triệu lượt khách nội địa trong năm 2023. Dẫu có nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu này không dễ đạt được, nhưng so với thị trường quốc tế còn nhiều ẩn số, thị trường nội địa vẫn sẽ xán lạn hơn rất nhiều.
Lý do nhiều người nghĩ mục tiêu khách nội địa năm nay khó hoàn thành là vì nhu cầu du lịch bị dồn nén đã được giải tỏa và các điểm đến quốc tế đều đã mở cửa trở lại. Kể cả như thế, thị trường nội địa vẫn được nhận định sẽ dẫn lối phục hồi du lịch Việt.
Thứ nhất, thị trường nội địa của Việt Nam có khả năng phục hồi nhanh sau khủng hoảng. Bằng chứng rõ ràng nhất chính là những con số hậu đại dịch nêu trên. Thứ hai, thị trường nội địa ít chịu tác động của các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, hạn chế các chuyến bay,… Cuối cùng, thị trường trong nước hạn chế phụ thuộc vào việc lượng khách nước ngoài mất cân bằng giữa mùa cao điểm và thấp điểm.
Tuy số lượng khách nội địa Việt Nam gia tăng, doanh thu từ du lịch nội địa lại giảm. Trong 6 ngày Tết Nguyên đán 2023, có gần 9 triệu lượt khách nội địa, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng doanh thu lại giảm mạnh, ước đạt 17.500 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ. Nguyên do là các cách thức truyền thông trước đây đã không còn hiệu quả. Hành vi và thị hiếu của khách du lịch đã thay đổi rất nhiều từ ảnh hưởng của các giai đoạn Trước – Trong và Sau đại dịch. Điển hình như khách du lịch outbound năm 2019 có sở thích đi tự túc (52%), đi theo tour trọn gói (38%) và đi theo tour thiết kế riêng (10%). Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn dịch 2021, du khách đã không còn ưa chuộng loại hình tour thiết kế riêng mà 2 hình thức du lịch được yêu thích là Tự túc (70,85%) và Tour trọn gói (29,15%). Đến năm 2022, khi các chính sách về du lịch đã nới lỏng, du lịch dần phục hồi thì đại đa số du khách chọn đi tự túc (84,5%) và một số khác sẽ đi du lịch theo tour trọn gói (15,5%). Dễ dàng nhận thấy rằng chỉ với một chỉ số về hình thức du lịch outbound nhưng tỷ trọng và loại hình ưa chuộng cũng đã có sự thay đổi rõ rệt.
Đây không còn là thời điểm chúng ta có thể dựa trên những kinh nghiệm hoặc mặc định “lỗi thời” về du khách mà áp đặt vào những chiến dịch tiếp cận không phù hợp. Doanh nghiệp cần có một nền tảng dữ liệu chất lượng để theo dõi, cập nhật và nghiên cứu nhiều hơn nhằm hiểu rõ về nhu cầu và thị hiếu của du khách. Từ đó, họ có thể thiết lập những chiến lược tiếp cận mới phù hợp và hiệu quả, linh hoạt với sự thay đổi của thị trường.