Những ngọn đồi cao vút mang vẻ đẹp hùng vĩ và bí ẩn từ lâu luôn là một điểm thu hút du khách mạnh mẽ, đặc biệt là những du khách yêu thiên nhiên, thích khám phá, phiêu lưu và tìm hiểu về cộng đồng miền núi. Mountain tourism (du lịch đến các vùng đồi núi) là một trong những loại hình du lịch tiềm năng nhờ đáp ứng được những nhu cầu mới của du khách sau đại dịch.
Theo UNWTO, du lịch miền núi là những hoạt động du lịch trong khu vực núi đồi với những đặc điểm riêng biệt về cảnh quan, địa hình, khí hậu, đa dạng sinh học và cộng đồng địa phương tại đó.
Cũng giống như nhiều loại hình du lịch khác, du lịch miền núi có thể đóng góp vào sự tăng trưởng của kinh tế – xã hội địa phương. Đặc biệt, các vùng núi đồi thường nằm ở những nơi xa xôi, nên các hoạt động du lịch miền núi sẽ gắn liền với thiên nhiên, du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, và có thể gia tăng giá trị cho các sản phẩm địa phương, tạo việc làm và cải thiện cuộc sống người dân.
Bên cạnh đó, với đặc điểm địa hình và thiên nhiên, du lịch miền núi có thể mang lại cho du khách đa dạng trải nghiệm và hoạt động, đặc biệt là những trải nghiệm mạo hiểm và hoạt động thể thao mà ít nơi nào có được, chẳng hạn như đạp xe, trekking, zip-line, leo núi, thám hiểm hang động, trượt tuyết, chèo thuyền,… hay các hoạt động khám phá như trải nghiệm phong cảnh núi non, hệ động thực vật, di sản văn hoá địa phương.
Ở nhiều điểm đến, du lịch miền núi có sự liên kết chặt chẽ với du lịch nông thôn, hoặc du lịch cộng đồng, vì cộng đồng địa phương ở những vùng này thường có nền văn hoá, phong tục tập quán đặc trưng và không phổ biến. Đây sẽ là điểm đặc trưng thu hút những du khách thích tìm hiểu văn hoá, di sản, truyền thống thông qua các hoạt động như tham quan làng nghề, di sản, khám phá ẩm thực địa phương.
Do những đặc trưng này, trải nghiệm du lịch miền núi mang tính bền vững nhiều hơn và thường có sức hút với những du khách thích khám phá hơn là khách du lịch đại trà. Đặc biệt, sau đại dịch, du lịch miền núi được xem là một trong những loại hình du lịch rất có tiềm năng vì đáp ứng được nhiều nhu cầu mới của du khách.
Mặc dù giờ đây phần lớn mọi người đều đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ, nhưng nguy cơ nhiễm bệnh vẫn còn. Vì vậy, du lịch miền núi có thể an toàn hơn các hình thức du lịch khác đối với nhiều du khách vì các địa điểm này thoáng đãng và không quá đông đúc, nhờ đó mà giảm được nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Là một loại hình du lịch dựa vào địa hình tự nhiên, du lịch miền núi mang lại cho du khách trải nghiệm được sống giữa thiên nhiên nhiều hơn các điểm đến khác, và đó cũng là môi trường mà nhiều du khách muốn tìm kiếm để cân bằng lại cuộc sống và cảm xúc sau giai đoạn đại dịch đầy căng thẳng. Hơn nữa, du lịch miền núi còn là điều kiện thuận lợi cho những du khách quan tâm đến sức khoẻ và các sở thích liên quan. Ngoài các hoạt động rèn luyện sức khoẻ như đạp xe leo núi, đi bộ xuyên rừng mà du khách có thể tự tham gia, còn có không ít những điểm đến chăm sóc sức khoẻ nằm trong khu vực rừng núi mang đến cho du khách các sản phẩm spa, chăm sóc sức khoẻ bằng những liệu pháp từ thiên nhiên.
Nắm bắt và phát triển du lịch miền núi sau đại dịch
Trong bối cảnh phát triển bền vững và biến đổi khí hậu đang là hai trong những vấn đề nổi trội hiện nay, việc phát triển du lịch miền núi sau đại dịch cần phải lưu tâm đến việc giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Do đặc điểm tự nhiên của từng vùng, du lịch miền núi thường mang tính mùa vụ vì du khách muốn tham gia những trải nghiệm đặc trưng như trượt tuyết, tham quan thảm thực vật theo mùa hoặc đơn giản là thời tiết thuận lợi cho các hoạt động trải nghiệm. Do đó, để tránh tình trạng đông đúc vào mùa du lịch, các điểm đến có thể xem xét đa dạng hoá các sản phẩm du lịch xuyên suốt trong năm để du khách có nhiều lựa chọn và ghé thăm vào bất kỳ thời điểm nào.
Chẳng hạn, một số điểm đến miền núi ở châu Âu và Bắc Mỹ thường rất đông đúc vào mùa đông vì du khách mong muốn tham gia các hoạt động thể thao mùa đông. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mùa tuyết tại nhiều nơi trở nên ngắn hơn và tuyết mỏng hơn, ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Một số điểm đến đã thay đổi, thu hút du khách đến vào những mùa khác trong năm, bằng cách cung cấp các trải nghiệm mới như đạp xe, cưỡi ngựa, hoặc các trải nghiệm văn hoá.
Đầu tư vào các “thực hành xanh” cũng là một trong những cách mà các điểm đến miền núi có thể cân nhắc để phát triển dịch vụ bền vững hơn sau đại dịch, chẳng hạn như sử dụng những sản phẩm địa phương thay vì nhựa, quản lý năng lượng hiệu quả hơn, khuyến khích du khách sử dụng các hình thức di chuyển cacbon thấp bằng các chương trình ưu đãi,.., Một trong những thuận lợi mà chỉ những điểm đến miền núi mới có được chính là không gian xanh. Các điểm đến có thể tận dụng điều này để thiết kế một hành trình trải nghiệm xanh toàn diện cho du khách sẽ là một lợi thế thu hút nhóm khách du lịch có trách nhiệm trong tương lai.
Mới đây, tỉnh Hà Giang cũng có kế hoạch phát triển du lịch bền vững ở xã Tân Lập với mục tiêu xây dựng khu du lịch Tân Lập theo hướng du lịch xanh. Kế hoạch này sẽ tập trung vào công tác bảo tồn di sản văn hoá, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, giải quyết tốt các vấn đề môi trường.
Destination Review