Dữ liệu chất lượng cho phép các doanh nghiệp thiết lập chiến lược và mục tiêu phát triển kinh doanh. Dựa trên các thông tin và số liệu phản ánh đúng tình hình thị trường và người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định chính xác nhất.
Dữ liệu đã được ứng dụng trong kinh doanh từ rất lâu và ngày càng khẳng định vai trò thiết yếu của mình.
Theo một bài viết trên tạp chí Forbes, việc sử dụng phân tích dữ liệu không còn giới hạn ở các công ty lớn có ngân sách dồi dào nữa. Năm 2019, đã có tới 59% doanh nghiệp sử dụng phân tích dữ liệu ở một mức độ nào đó. Một cuộc khảo sát từ Deloitte cho biết 49% số người được hỏi nói rằng các phân tích giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn. 16% nói việc này hỗ trợ cho các sáng kiến chiến lược quan trọng. 10% có thể cải thiện mối quan hệ với cả khách hàng và đối tác kinh doanh nhờ phân tích dữ liệu.
Nhìn chung, việc ứng dụng dữ liệu mang đến cho các doanh nghiệp 3 lợi ích lớn như sau.
Tiết kiệm chi phí
Trước hết, tận dụng dữ liệu chất lượng cao sẽ dẫn tới các quyết định kinh doanh hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng nghĩa với việc tránh được các chi phí không đáng có do đi sai hướng.
Thay vì chỉ dựa vào phán đoán hay kinh nghiệm, những người đứng đầu một tổ chức hoàn toàn có khả năng lựa chọn dữ liệu hữu ích ích để ra quyết định. Họ sẽ tránh được việc thử nghiệm, gặp sai sót, làm lại, lại sai sót và làm lại,… vừa mất thời gian, lại vừa tốn kém.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng những dữ liệu kém chất lượng có thể gây ảnh hưởng nhiều tới tài chính của doanh nghiệp. Trong kinh doanh, một sai lầm rất nhỏ cũng có thể tác động lên ngân sách. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được nguồn dữ liệu chất lượng cao và đáng tin cậy.
Lập chiến lược dựa trên cơ sở dữ liệu
Trước khi vận hành kinh doanh, doanh nghiệp cần lập kế hoạch và chiến lược cụ thể. Và dữ liệu cho họ căn cứ xác đáng để xác định các khía cạnh như phân khúc khách hàng tiềm năng, đặc tính hành vi và tâm lý của họ,… Chiến lược càng chi tiết, quá trình sản xuất và cải tiến dịch vụ/sản phẩm càng dễ dàng.
Ví dụ, khi thực hiện khảo sát và nhận thấy du khách ngày càng quan tâm tới tính bền vững, doanh nghiệp cần nhanh chóng đáp ứng những tiêu chí của họ. Đó có thể là sử dụng nhiên liệu/năng lượng sạch, hạn chế dụng cụ nhựa dùng một lần, v.v.
Triển khai và điều chỉnh chiến lược hiệu quả
Sau khi có kế hoạch và chiến lược chi tiết, doanh nghiệp cần triển khai thực hiện và cho ra thành phẩm. Đó có thể là sản phẩm hữu hình hoặc vô hình nhưng phải đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của khách hàng mục tiêu. Vì nhu cầu của người tiêu dùng là một yếu tố có thể thay đổi, thậm chí là thay đổi rất nhanh, nên theo thời gian, doanh nghiệp cần điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ của mình. Để biết họ có đang thay đổi không và thay đổi ra sao trong hành vi và tâm lý tiêu dùng, doanh nghiệp cũng nên dựa vào dữ liệu từ các giải pháp theo dõi thị trường.