Dù đón rất nhiều khách Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan nhưng Việt Nam lại chưa thực sự để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng họ. Đây là vấn đề mà chúng ta cần mau chóng gỡ rối để đạt mục tiêu 8 triệu khách nước ngoài trong năm nay.
Bối cảnh
Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan là các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Ba thị trường này chiếm tỷ trọng 34,3% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019. Khi nhìn vào con số này, đa phần sẽ cho rằng số lượng khách đến càng đông chứng tỏ du khách biết đến Việt Nam càng nhiều. Thực tế từ kết quả khảo sát “Hành vi du lịch của ba thị trường Đông Bắc Á” của The Outbox Company cho thấy mức độ nhận biết về hình ảnh điểm đến Việt Nam khá thấp, chỉ đạt 4,1 (xét trên thang điểm 7, trong đó 1 là thấp nhất và 7 là cao nhất).
Mức độ nhận biết rất quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến của du khách. Mặc dù số lượng khách đến Việt Nam tăng trưởng đều hàng năm, nhưng mức độ nhận biết của khách từ ba thị trường này chưa thực sự tương ứng với tiềm năng tăng trưởng.
Đối với Hàn Quốc, chỉ tính riêng năm 2019, lượng khách từ thị trường này đã chiếm đến 23,9%. Số lượt khách đến lớn nhưng trên thực tế, phần lớn chỉ nhận biết trung bình – khá về Việt Nam. Chỉ có 18% số khách tham gia khảo sát tự tin về sự nhận biết về hình ảnh điểm đến Việt Nam của mình.
Nhật Bản cũng là một thị trường gửi khách tiềm năng nhưng phần đông du khách (62%) tự nhận thấy họ chỉ hiểu biết tương đối và có đến 21% gần như không biết hoặc biết rất ít về Việt Nam.
Tương tự với Nhật Bản, Đài Loan cũng có 21% du khách có mức độ nhận biết thấp và gần 2/3 du khách (63%) đều cho rằng sự hiểu biết của họ đối với Việt Nam chỉ ở mức trung bình – khá.
Làm gì để hấp dẫn hơn?
Có thể nói, du lịch Việt Nam đang gặp những khó khăn trong việc tiếp cận và quảng bá hình ảnh đến du khách từ ba thị trường nêu trên. Dù có rất nhiều danh lam thắng cảnh, văn hóa đa dạng, lịch sử hào hùng và nhiều ưu thế du lịch, các chương trình kích cầu và các sản phẩm du lịch được đưa ra có vẻ chưa thực sự chạm đến và giúp du khách hiểu biết về Việt Nam. Điều này phần nào lý giải sự nhận biết về điểm đến của du khách không cao.
Bên cạnh đó, với mức độ nhận biết còn thấp, việc tệp khách mới cân nhắc lựa chọn Việt Nam làm điểm đến tiếp theo là không chắc chắn. Do đó, chúng ta cần phải thay đổi trong cách tiếp cận hoặc đưa ra các chương trình quảng bá đa dạng hơn để thu hút khách du lịch, tận dụng triệt để các ưu thế của du lịch nước nhà về khoảng cách địa lý, số lượng đường bay, cảnh đẹp thiên nhiên,…
Để có thể thấu hiểu và làm hài lòng du khách đến từ các thị trường trọng điểm hơn, các doanh nghiệp và điểm đến nên thực hiện các nghiên cứu thị trường. Từ đó, họ có thể đưa ra các quyết định chi tiết và phù hợp nhất để không chỉ thu hút mà còn giữ chân khách du lịch và khiến họ quay trở lại nhiều lần.